Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thanh Hoá: Người dân vùng biên thoát nghèo từ vốn tín dụng chính sách

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong những năm qua, hàng chục nghìn hộ dân ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được vay vốn làm ăn và đã thoát nghèo.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh Lương Văn Phấn (bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) trở thành hộ khá giả.

“Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Năm 2016, tôi được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quan Sơn cho vay vốn để phát triển kinh tế. Với số vốn ban đầu 60 triệu đồng, tôi đầu tư trồng luồng.

Đến năm 2019, sau khi trả hết số nợ ban đầu, tôi mạnh dạn vay thêm 80 triệu đồng để mua 6 con bò sinh sản, đến nay đã thành 12 con.

QS hỗ trợ bò1.jpg
Đàn bò của gia đình anh Lương Văn Phấn (bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) được vay từ nguồn tín dụng chính sách. (Ảnh: Thu Hương).

Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Nếu không được vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách có lẽ gia đình tôi khó mà thoát khỏi cảnh nghèo”, anh Phấn vui vẻ cho biết.

Cũng được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn cho vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm, với số tiền 100 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản.

Sau hơn 1 năm, đàn bò của gia đình ông Cao Văn Toan (bản Phú Nam, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn) phát triển tốt, mở ra lối thoát nghèo cho gia đình.

“Tháng 4/2023, gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn cho vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền 100 triệu đồng. Có tiền, gia đình tôi mua 6 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò đang trong quá trình sinh trưởng tốt. Hy vọng, khi bò sinh sản sẽ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình và thoát nghèo”, ông Toan chia sẻ.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn quan tâm, chỉ đạo bám sát đến từng hộ, ghi nhận nguyện vọng, cũng như tận dụng lợi thế, địa hình phù hợp để hỗ trợ đúng người, đúng nhu cầu. 

Trong giai đoạn 2014 - 2024, đã có 22.501 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. 

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: "Mặc dù ngân sách huyện còn hạn hẹp, nhưng xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội, nên hàng năm huyện trích một phần ngân sách chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Với phương châm: “Bám sát dân để có giải pháp thiết thực”, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo Ban đại diện hội đồng quản trị, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay theo các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm của địa phương đảm bảo đúng quy định. Trong giai đoạn 2014 - 2024, nguồn ủy thác cấp huyện đạt hơn 3,3 tỷ đồng”.

Ông Lê Anh Thiện, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quan Sơn cho biết: “Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 411 tỷ đồng, tăng trên 273 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, với 5.936 khách hàng đang có dư nợ; 14 chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện, nợ quá hạn và nợ khoanh ngày càng giảm.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp cho 3.249 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 385 hộ nghèo và đối tượng chính sách xây dựng được nhà ở... Trong giai đoạn 2014 - 2024, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quan Sơn đã thực hiện giải ngân 895 tỷ đồng, với 22.501 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần quan trọng việc ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương”.

Thu Hương

Báo Lao động Xã hội số 67