Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thành quả giảm nghèo góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

(Dân sinh) - Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, diễn ra sáng 11/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thành quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện rất đậm nét trong các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình hành động của chính quyền các cấp.

Thành quả giảm nghèo góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.   - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Nghị quyết số 80 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã xác định rõ: "Giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn còn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản".

"Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2.75%. Chỉ tính riêng 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo."

Chính quyền đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 từ trung ương đến địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện. Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn, huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thành quả giảm nghèo góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.   - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc hội nghị.

"Qua 10 năm thực hiện, chính sách giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước. Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến nhận thức và hành động của một bộ phận người dân trong đó có cả người nghèo. Không ít các điển hình, các đơn vị, cá nhân đã viết đơn xin thoát nghèo", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thành quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.  Tuy nhiên, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới như: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, khoảng cách  giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn có nguy cơ gia tăng; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm,...