Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thoát nghèo nhờ cải tạo vườn tạp trồng gừng, gấc

50 hộ dân tộc Mường huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã thành công với mô hình cải tạo vườn tạp để trồng gấc, gừng. Nhờ vậy, 30 hộ trong nhóm này đã từng bước vươn lên thoát nghèo.

 

Ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các gia đình sống ở trên đồi nên diện tích vườn khá rộng. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình nơi đây vẫn để vườn tạp, chưa tận dụng hết diện tích đất nhà có sẵn. Trong khi, diện tích đất trồng trọt, sản xuất ít nên nhiều hộ rơi vào cảnh nghèo đói.

Mô hình trên gấc, dưới gừng ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) mang lại hiệu quả gấp 4 lần so với trồng lúa.

 

Là huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đã triển khai nhiều dự án, chính sách hỗ trợ cho người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất chính là người dân thiếu đất sản xuất nên hiệu quả của những chương trình hỗ trợ phân bón, cây giống, con giống cho người dân chưa đạt được như kỳ vọng.

Từ 3 năm nay, được sự hướng dẫn của Hội Làm vườn huyện Bá Thước, 50 hộ dân tộc Mường ở xã Ái Thượng đã cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên và trồng gừng ở dưới. Chị Trương Thị Thủy (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) là trưởng nhóm tham gia mô hình trồng gấc, gừng cho biết: Dự án chỉ hỗ trợ người dân kỹ thuật cải tạo vườn tạp cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản để trồng gừng, gấc cho người dân để triển khai. Người dân có nhu cầu mua giống, mua phân bón sẽ được giới thiệu đơn vị cung cấp đạt chất lượng. Sản phẩm sản xuất ra có công ty thu mua. Các dự án khác thường hỗ trợ giống, phân bón cho người dân tham gia dự án nên thời gian đầu vì ngại thay đổi và chưa tin tưởng vào mô hình mới nên chưa có nhiều hộ gia đình tham gia cải tạo vườn tạp để trồng gấc, gừng.

Trong khi mô hình trên gấc, dưới gừng không tốn công đầu tư, giống, phân bón, việc chăm sóc đơn giản mà cho giá trị, hiệu quả lớn gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Khi áp dụng mô hình này, một số hộ đã thoát nghèo và có thể làm giàu. Mặt khác, đây cũng là mô hình phù hợp với nhiều đối tượng lao động, nhất là lao động nữ.  Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, lại sẵn đất vườn nên sau khi thấy hàng xóm làm hiệu quả, nhiều hộ dân tự nguyện tham gia mô hình cải tạo vườn tạp để hình trồng gấc, gừng. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhìn thấy rõ hiệu quả của mô hình trồng gấc, gừng, nhiều hộ nông dân huyện Bá Thước đã học tập và làm theo. Đến nay, tổ nhóm trồng gấc, gừng có tới 50 hộ gia đình tự nguyện tham gia

Quy trình trồng gấc, gừng rất đơn giản, ít chăm sóc, không tốn giống, bón phân nhiều. Như cây gấc trồng 1 lần những cho thu hoạch trong 5-6 năm. Nhiều hộ gia đình được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cho gấc, gừng. Đồng thời, các hộ dân đã biết sơ chế gấc để bán. Riêng phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh. Hiện nay sản phẩm gấc của bà con được cung ứng cho Công ty Vinaga, còn gừng thì được Công ty Trí Đức nhận tiêu thụ.

Chị Trương Thị Thủy (bên trái) đưa mô hình trồng gừng, gấc tham gia dự thi “Sáng kiến giảm nghèo”.

 

Nhờ được sự tư vấn hỗ trợ của Hội Làm vườn huyện Bá Thước mà tổ trồng gấc, gừng xã Ái Thượng đã mạnh dạn tham gia cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam tổ chức. Nhờ sáng kiến gần gũi, dễ áp dụng trong thực tiễn mà nhóm trồng gấc, gừng xã Ái Thượng đã được lựa chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo” sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 này.

Chị Thủy chia sẻ: “Chúng tôi đang xúc tiến thành lập hợp tác xã trồng gừng, gấc để có tư cách pháp nhân thu mua và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Hiện người dân được công ty thu mua gấc với giá 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi gấc chín rộ, nếu biết sơ chế theo hướng dẫn kỹ thuật thì lợi nhuận đã có thể tăng lên gần gấp đôi”.