Theo một số người dân nuôi cá lăng nha cho biết, cá lăng nha vốn là loài cá bản địa, có kích thước lớn, thịt trắng thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Ở nước ta, cá lăng nha phân bố nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi được hưởng nguồn nước ngọt của con sông Tiền và sông Hậu, rất thích hợp với đặc tính của cá. Trước đây việc khai thác đánh bắt cá lăng nha chủ yếu trong môi trường tự nhiên, nên ngày càng trở nên cạn kiệt khan hiếm. Từ khi các kỹ sư Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, thí nghiệm cho sinh sản thành công giống cá lăng nha, nhiều hộ nông dân ở Tiền Giang đã lặn lội lên TP.Hồ Chí Minh mua cá giống về nuôi thí điểm trong môi trường ao đất và lồng bè. Qua thực tế vài vụ nuôi, họ nhận thấy nuôi cá lăng nha, nhất là loại cá lăng nha đuôi đỏ trong môi trường lồng bè phát triển nhanh hơn, vừa dễ quản lý về sốlượng đàn cá, vừa chủ động việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, nên đạt hiệu kinh tế cao hơn.
Hiện nay ở Tiền Giang mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè đã trở thành phong trào, được nhiều hộ dân tham gia và đang phát huy hiệu quả tích cực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Ông Nguyễn Mộng Nguyên ở khu phố Tân Bình, phường Tân Long, TP. Mỹ Tho là một trong những người đầu tiên mang con cá lăng nha đuôi đỏ về nuôi trong lồng bè trên sông Tiền, bước đầu đạt kết quả rất khả quan. Với bè cá rộng 4m, dài 6m, ông thả nuôi 10.000 con cá lăng nha đuôi đỏ giống, sau 1 năm chăm sóc, ông thu về trên 60 triệu đồng.
Nhờ thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè hiệu quả nhiều hộ nông dân thu nhập cao
Theo nhận xét của ông, cá lăng nha đuôi đỏ dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, cho lợi nhuận cao vì giá cả trên thị trường ổn định. Hiện nay giá cá lăng nha thương phẩm trên thị trường có giá từ 120.000 đ – 150.000 đ/kg. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Kiếm, ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè, khi thu hoạch, trừ mọi chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Theo ông Kiếm, mặc dù nuôi cá lăng nha đuôi đỏ, thời gian cho thu hoạch lâu hơn các loài cá khác, nhưng cho lợi nhuận cao gấp 2 – 3 lần so với cá diêu hồng và rủi ro thấp hơn. Điều kiện và kỹ thuật nuôi cá lăng nha đuôi đỏ cũng không quá khó, tùy theo khả năng đồng vốn đầu tư của mỗi hộ mà có thề làm lồng bè với quy mô kích thước khác nhau. Nhưng thể tích tối thiểu của mỗi lồng bè phải đạt 10 m3, có độ sâu 2 m và có mái che mát cho lồng bè. Thức ăn cho cá khá dễ kiếm, chủ yếu là loại tự chế với công thức 50% cám + 50% cá tạp xay nhỏ, ép thành viên cho cá ăn (cho ăn 3 lần sáng, chiều, tối). Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm nguồn thức ăn công nghiệp để tăng thêm lượng đạm. Cách phòng bệnh khá đơn giản, treo túi vôi ở đầu bè và khoảng từ 15 – 20 ngày phun khử trùng bè một lần bằng BKS trực tiếp xuống bè. Với lợi thế nguồn nước của con sông Tiền, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ trong lồng bè, góp phần giúp nhiều người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.