Qua 20 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả rất quan trọng, nguồn lực TDCS đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ 3 chương trình TDCS ban đầu, đến nay Chi nhánh NHCSXH Thanh Hóa đã cho vay 22 chương trình TDCS.
Nguồn vốn TDCS xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh Thanh Hóa, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tổng dư nợ TDCS đến ngày 31/8/2022 đạt gần 11.900 tỷ đồng, tăng hơn 11.461 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 130,7%, với hơn 246.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ 1.308,1 tỷ đồng, với hơn 23,6 nghìn hộ đang vay vốn; chương trình cho vay hộ cận nghèo dư nợ 3.228,3 tỷ đồng, với gần 55,6 nghìn hộ cận nghèo còn dư nợ; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo dư nợ 2.281 tỷ đồng, với 39.000 hộ còn dư nợ; chương trình cho vay giải quyết việc làm dư nợ 943 tỷ đồng, với hơn 15.000 khách hàng đang vay vốn; chương trình cho vay học sinh, sinh viên dư nợ 144,8 tỷ đồng, với 4.066 hộ đang vay vốn; chương trình cho vay xuất khẩu lao động dư nợ 79,7 tỷ đồng, với 1.560 lao động đang vay vốn; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dư nợ 2.051,2 tỷ đồng, với gần 111.000 hộ đang vay vốn...
Hoạt động TDCS xã hội tại Thanh Hóa đã góp phần giúp trên 321.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 91.000 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hơn 11,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn, giúp hơn 448,3 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng gần 637.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hơn 40.500 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có gần 2.600 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt; hơn 1.000 căn nhà ở xã hội, 14 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 841 người lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030: Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 8-10%; hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%/tổng dư nợ; nguồn vốn ngân sách địa phương được bổ sung hằng năm từ 60 tỷ đồng trở lên; đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH trong thời kỳ mới.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa hiện đang quản lý 2.589 tổ Tiết kiệm và vay vốn cho 99.063 hộ còn vay vốn, với dư nợ 4.755,4 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng giảm, đến nay chỉ còn 0,06%. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều hội viên Hội LHPN thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ để từng bước nâng cao thu nhập. Nhiều hội viên đã mạnh dạn tìm tòi, đưa những giống mới, năng suất cao vào sản xuất, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, từ đó phát triển mô hình sản xuất nhỏ lẻ thành các trang trại quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành nữ chủ trang trại, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Với sự cố gắng, nỗ lực, các cấp Hội phụ nữ đã giúp 46.485 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh…”
Đánh giá về công tác giảm nghèo tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá thông tin: “Kết quả đạt được trong triển khai thực TDCS đã khẳng định chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Giai đoạn 2001-2005, vốn TDCS đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ 14,91% xuống còn 10,56%; giai đoạn 2006-2010 giảm số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 34,71% xuống còn 14,93%; giai đoạn 2011-2015 giảm từ 24,85% xuống 6,99%; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 13,51% xuống còn 2,2%.
Đến nay, TDCS đã trở thành “công cụ đắc lực” giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Hỗ trợ người vay có nguồn lực để đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ. Từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng của NHCSXH…”.