Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 258 hộ nghèo

Tỉnh Quảng Ninh đã "về đích" Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm. Toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, bằng 0,067% tổng số hộ dân trên địa bàn. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đến năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025 do tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Quảng Ninh xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Công tác giảm nghèo bền vững được gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế,…

Nông dân TX.Đông Triều (Quảng Ninh) ấm no nhờ trồng na.

Nông dân TX.Đông Triều (Quảng Ninh) ấm no nhờ trồng na.

Tỉnh cũng huy động các nguồn lực trợ giúp cho hộ nghèo, hộ thuộc diện không thể thoát nghèo (gồm những hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau bệnh tật, không có sức lao động). Đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 về sửa đổi, bổ sung quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh do đó đã không còn hộ nghèo theo quy định của Trung ương.

Riêng trong năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh; phấu đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%... Đáng chú ý, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành trước 3 năm. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia Trung ương đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả ấn tượng của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa ưu thế và dành nguồn lực quan trọng của tỉnh ưu tiên cho vùng khó khăn nhất của tỉnh cũng như có chính sách sáng tạo nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp cùng tham gia với Nhà nước. Đây là những đột phá và điều hết sức quan trọng là Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Hầu A Lềnh khẳng định, các chương trình mục tiêu quốc gia cuối cùng là hướng tới hạnh phúc của người dân ở tất cả các địa bàn và các đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy trong quá trình thực hiện cần lồng ghép các chương trình về nội dung, địa bàn, đối tượng, nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện. Do đó, trong thời gian tới, ông mong muốn Quảng Ninh tiếp tục làm tốt hơn để khi thực hiện các chương trình đảm bảo đồng bộ, mang lại hiệu quả tốt hơn cho người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, các Chương trình mục tiêu quốc gia cuối cùng là hướng tới hạnh phúc của người dân ở tất cả các địa bàn và các đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy trong quá trình thực hiện, tỉnh Quảng Ninh cần lồng ghép các chương trình về nội dung, địa bàn, đối tượng, nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất của tỉnh là thu nhập, đời sống người dân phải thực sự được nâng cao. Đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 là đạt khoảng 8.000-10.000 USD.