Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

TP.HCM: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vượt qua thách thức do dịch Covid-19

(Dân sinh) - Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” là hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vượt qua thách thức do dịch Covid-19 gây ra.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM vừa tổ chức phát động chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”. Đây là hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vượt qua thách thức do dịch Covid-19 gây ra, góp phần thực hiện thành công Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” trên địa bàn TP.HCM. 

Tại chương trình, các chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ các gương điển hình khởi nghiệp và bước đầu gặt hái thành công, như nhóm “Nấu ăn” phục vụ đám tiệc của chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm, hội viên phụ nữ ấp Gò Nổi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi); học hỏi kỹ năng bán hàng online như cách thức, kỹ thuật, kỹ năng cơ bản để Livestream bán hàng một cách hiệu quả… 

Một trong những mô hình hỗ trợ phụ nữ TP.HCM khởi nghiệp. (Ảnh: Thành uỷ TP.HCM).

Một trong những mô hình hỗ trợ phụ nữ TP.HCM khởi nghiệp. (Ảnh: Thành uỷ TP.HCM).

Đây được xem là phương pháp marketing hiệu quả, có khả năng tiếp cận được với hàng nghìn khách hàng một cách trực tiếp ngay tại một thời điểm. Sự kiện cũng tạo cơ hội để nhiều chị em phụ nữ tham gia giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của chính mình thông qua các gian hàng. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã nghiên cứu và vận dụng nhiều nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trong đó việc phát triển kinh tế hộ gia đình là một trong những ưu tiên hàng đầu được Hội hướng đến với mục tiêu phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho xã hội.  

Theo đó, một trong số những hoạt động mà Hội sẽ thực hiện trong thời gian tới để hỗ trợ chị em phát triển hộ kinh tế gia đình là nâng cao khả năng áp dụng khoa học kĩ thuật, ứng dụng kỹ thuật số, khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh kết nối giữa nhà khoa học - hộ gia đình - doanh nghiệp trong chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức quản lý kinh tế gia đình, quản lý doanh nghiệp… nhằm nâng cao trình độ và năng suất lao động của các hộ gia đình.

Đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu đạt 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 2000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập từ 15 tổ hợp tác và 10 hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 4.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.