Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Trà Vinh: Phat triển làng nghề để xóa nghèo bền vững

Những năm gần đây tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực đẩy mạnh khôi phục và phát triển làng nghề, để tạo việc làm mới cho lao động nông thôn (LĐNT). Đây được xem là một trong những giải pháp có nhiều đóng góp vào công tác dạy nghề, truyền nghề và giải quyết việc làm ở nhiều địa phương của tỉnh Trà Vinh hiện nay.

 

Theo lãnh đạo Sở LĐ – TB & XH nhận xét, việc phát triển làng nghề ở vùng nông thôn Trà Vinh từ lâu đã được tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy cơ cấu kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. Những làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành là một ví dụ điển hình như thế. Ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, xã Hưng Mỹ là địa phương phát triển mạnh làng nghề, để vừa tận dụng thế mạnh sẵn có của địa phương về nguồn lao động, vừa giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Đó chính là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động nông thôn trong xã.

Làng nghề xã Hưng Mỹ tập trung nhiều nhất ở các ấp Bãi Vàng, Đại Thôn, Rạch Vồn, Ngãi Hiệp, Ngãi Lợi,  chủ yếu là sản xuất các mặt hàng thủ công như dệt thảm, chiếu, đan giỏ mỹ nghệ và nhiều vật dụng trang trí khác, bằng nguyên liệu như: Dây nhựa màu, dây nhựa 3 D, dây lục bình, lác, tơ xơ dừa. Đây là những nghề dễ học, dễ làm nên đã thu hút nhiều lao động nông thôn, nhất là phụ nữ đến học nghề và làm việc ngay tại các cơ sở làng nghề.

Được biết hàng năm, xã Hưng Mỹ đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành, Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh mở các lớp dạy nghề nghề đan đát, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay toàn xã Hưng Mỹ có trên 2.600 lao động có việc làm thường xuyên, trong số đó lao động tại chỗ là trên 1.400 lao động chiếm trên 50%, đa số tập trung làm việc tại 4 doanh nghiệp tư nhân như: Hùng Đức, Mỹ Huyền, Văn Chất, Thàng Trung.

Đan đát là một trong những nghề thu hút rất nhiều lực lượng lao động nữ nông thôn theo học và làm việc tại nhiều làng nghề ở Trà Vinh.

Là một địa phương có đồng bào Khmer chiếm 50,41% tổng số nhân khẩu toàn xã, làng nghề Lương Hòa phát triển đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút được nhiều lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho rất nhiều hộ dân ở nông thôn. Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đại An, huyện Trà Cú hình thành từ lâu đời, hiện hoạt động và phát triển mạnh, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất ở các ấp: Giồng Đình, Giồng Lớn, Cây Da, Trà Kha tạo ra các dòng sản phẩm với số lượng lớn làm từ tre, trúc như gường, bàn, ghế, xà neng, xà ngôm, rổ, rá vừa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa để trang trí nội thất, rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhờ đó mà người lao động nông thôn ở địa phương có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có thể nói, nhờ đẩy mạnh phát triển các làng nghề mà một lực lượng lớn lao động ở nông thôn có việc làm ổn định thường xuyên, nhờ đó mà cuộc sống nhiều hộ gia đình được cải thiện, thoát nghèo bền vững.