Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc - FAO về “An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới 2018”, trên thế giới hiện có trên 820 triệu người đang bị suy dinh dưỡng mãn tính. Một báo cáo khác về “Tình hình lương thực và triển vọng mùa màng” của FAO cũng cho biết, có khoảng 37 quốc gia, trong đó có 29 nước châu Phi, cần phải có viện trợ lương thực từ bên ngoài. Hàng triệu người trên thế giới, trong đó đa số tập trung tại các nước châu Phi không được cung cấp đẩy đủ các nguyên tố vi lượng như sắt, iốt, vitamin A… trong bữa ăn hàng ngày. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh tật, mù lòa, thiểu năng trí tuệ.
Sản xuất lương thực của Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu.
Theo FAO, những cuộc xung đột kéo dài tiếp tục là thủ phạm chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Người dân sống ở miền Bắc Nigeria, Nam Sudan và Yemen rơi vào tình trạng đói kém triền miên, trong khi nạn đói ngày càng phổ biến tại Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo và Syria.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng được cho là một nguyên nhân quan trọng đe dọa an ninh lương thực thế giới, dẫn đến nguồn cung lương thực không được bảo đảm. Việc nguồn cung không được bảo đảm sẽ tác động đến an ninh lương thực của trên 7,6 tỷ người trên thế giới. Gánh nặng này càng tăng nếu dân số thế giới tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu nguồn cung lương thực không được bảo đảm, đến năm 2020, thế giới sẽ có thêm 60 triệu người nữa bị thiếu ăn cùng với gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng.
Sáng kiến “Không còn nạn đói” do Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đưa ra và liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) về xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Việt Nam được công nhận là một trong những nước đạt được thành công đáng kể về giảm số người thiếu đói và nghèo. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn chưa đạt được mục tiêu như: tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở trẻ em theo tiêu chuẩn phân loại của WHO. Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhiều tỉnh còn rất cao, chủ yếu ở các tỉnh: Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. Thông qua Chương trình hành động quốc gia này, Việt Nam phấn đấu tiến tới thu hẹp khoảng cách hiện nay, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng.
Hỗ trợ gạo cho người nghèo.
Không còn nạn đói gồm 5 trụ cột: Các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng; giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, "đây là mục tiêu cao cả và Việt Nam đang có sức sản xuất lớn, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng chúng ta vẫn phải luôn nêu cao an ninh lương thực, chống đói nghèo, bởi Việt Nam luôn phải chịu những thách thức của biến đổi khí hậu. Chỉ với một trận bão là một cộng đồng dân cư có thể trở lại đói nghèo."
Ông Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO Việt Nam khuyến nghị, nông nghiệp là ngành kinh tế nền tảng của Việt Nam. Để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 2, Việt Nam cần phát triển nông nghiệp hiệu quả, hiệu xuất tăng lên, đặc biệt là cho các hộ dân sản xuất nhỏ. Nông nghiệp Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng hợp để đảm bảo lương thực an toàn và dinh dưỡng, đảm bảo được hệ thống sản xuất tự cường và có thể ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Với sự phối hợp giữa các ngành, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ được hỗ trợ tích cực để hiểu rõ tầm quan trọng của mục tiêu không còn nạn đói ở mọi phương diện và thúc đẩy Chương trình hành động quốc gia, nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu đói cho đời chúng ta và cho mai sau", ông Albert T. Lieberg nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia của Chương trình hành động Không còn nạn đói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi tất cả các bộ ngành; các tổ chức quốc tế; doanh nghiệp trong và ngoài nước; các chuyên gia và tình nguyện viên cùng đồng lòng, chung tay vì “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến 2025”.