Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho biết, theo phê duyệt tại Quyết định 806/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020", toàn tỉnh có 795 hộ được hỗ trợ làm nhà với tổng kinh phí là 28,4 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh số lượng tham gia, toàn tỉnh có 780 hộ được hỗ trợ làm nhà với tổng kinh phí sau điều chỉnh là 27,9 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/10/2020, đã có 778/780 hộ được hỗ trợ đã khởi công làm nhà, đạt 99,7% kế hoạch.
Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay các nguồn kinh phí đã được huy động xã hội hóa cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch. Việc làm mới, sửa chữa nhà ở được thực hiện ở rất khẩn trương, có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ thêm về kinh phí, vật liệu, nhân công của xã, thôn, nhân dân trong khu dân cư và sự đóng góp của gia đình, dòng họ nên về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng được đảm bảo, thường là vượt nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu Đề án quy định
Một số địa phương đã chủ động thực hiện, có cách làm hay, biện pháp phù hợp, ứng nguồn vốn để hoàn thành kế hoạch từ rất sớm như huyện Mù Cang Chải. Hầu hết các địa phương tích cực, chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện làm nhà vượt kế hoạch Đề án, tiêu biểu là huyện Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ. Nâng tổng số nhà được hỗ trợ toàn tỉnh lên 894 nhà với tổng giá trị thực hiện trên 110 tỷ đồng, gấp 03 lần kinh phí hỗ trợ đề án.
Chất lượng nhà mới, nhà sửa chữa sau khi hoàn thành đảm bảo yêu cầu của Đề án vừa phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Qua đó đã giúp cho các hộ gia đình an cư, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo; góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, giảm số hộ gia đình người có công thuộc diện nghèo. Đồng thời khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án còn một số ít chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm sát sao đến việc thực hiện; Thời gian thực hiện rà soát đối tượng tham gia Đề án tương đối gấp, tiêu chí hộ nghèo đặc biệt khó khăn chưa cụ thể nên dẫn đến tình trạng vẫn còn bỏ sót đối tượng hoặc tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ chưa đúng với nhu cầu, nguyện vọng các hộ tham gia Đề án; Nhiều hộ gia đình do sức khỏe không đảm bảo, theo phong tục tập quán phải xem tuổi, xem ngày làm nhà, vướng mắc về thủ tục đất đai, thời tiết không thuận lợi, địa hình đi lại khó khăn cho việc vận chuyển nguyên vật liệu… đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho rằng, để triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới, hoàn thành toàn diện Đề án nhất là trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với những gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn; hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nghèo, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để đảm bảo tính bền vững, bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện Đề án, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương cần triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với các hộ gia đình người có công và hộ nghèo; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo, huyện nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo; Tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, phấn đấu "Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIX, Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; nâng cao tính bền vững của công tác giảm nghèo.
Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các chương trình, dự án, chính sách, kế hoạch về giảm nghèo; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và con em của họ.
Tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát nhu cầu làm nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo; phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà ở.
Đôn đốc, hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở theo Đề án đối với các hộ gia đình trong năm 2020, hoàn thiện báo cáo tổng kết Đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp cuối năm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công và chính sách giảm nghèo; giám sát kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công và hộ nghèo để đảm bảo thực hiện chính sách kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, đúng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn vốn vận động từ cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân…