Đến cuối năm 2020, không còn hộ nghèo
Theo ông Lê Minh Tấn – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhân tố quan trọng mang tính quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nghèo; Nhà nước tạo động lực thúc đẩy bằng các chính sách đầu tư công có hiệu quả và chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo TP ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... Đặc biệt, biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững của TP.
"TPHCM đã khuyến khích, phát huy vai trò tự vươn lên giảm nghèo bền vững của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đây là một trong những vấn đề cốt lõi, tạo ra thành công của chính sách giảm nghèo bền vững, theo hướng trao "cần câu" chứ không phải cho "con cá". Ông Tấn chia sẻ.
Đến nay, theo báo cáo của các quận-huyện, TP.HCM đã giảm 15.700/17.685 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,72% (đạt 112,6% kế hoạch năm) và giảm 20.200/22.968 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,93% (đạt 113,7% kế hoạch năm).
Hiện có 10 quận ở TP.HCM là các quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình và Bình Tân hiện đã không còn hộ nghèo, theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2016-2020.
Đặc biệt, quận 5 và 23 phường thuộc 5 quận (quận 2, 3, 6, 11 và Bình Thạnh) đã không còn hộ cận nghèo, theo tiêu chuẩn TP giai đoạn 2016-2020 (thu nhập bình quân từ trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm).
Bên cạnh đó, chuẩn hộ nghèo thành phố được nâng lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo từ 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm với 5 chiều nghèo cơ bản: Giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin. Về cơ bản thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016-2020.
TP phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm khoảng 6.282 hộ nghèo và 12.000 hộ cận nghèo. Hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5% và tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 0,8%); thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.
Tuyên truyền vận động – Cùng nhau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo
Với sự chung sức của các cấp, các ngành, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam đã có những mô hình, cách làm hay, tổ chức chăm lo hiệu quả, sáng tạo, sát với tình hình của địa phương, có sức lan tỏa như: Quận 1 với mô hình "có nghề, có việc, có tương lai", "khu ẩm thực kinh doanh có thời gian", quận 2 với mô hình "mỗi khu phố nhận hỗ trợ một hộ nghèo", "mô hình món quà kết phòng khám đồng hành với người nghèo", Quận 7 với mô hình "câu lạc bộ người có giúp người khó", Quận 9 với mô hình "tổ may gia công vượt nghèo", "tổ vệ sinh môi trường, tương trợ người nghèo", Quận 10 với mô hình "4T: Thấu hiểu hồn nghèo - tận tình hướng dẫn - tuyên truyền vận động - tạo niềm vui", "Đảng viên chung sức giúp hỗ nghèo", Quận 11 với mô hình "hướng nghiệp làm kinh tế", "hỗ trợ miễn phí giấy phép xây dựng và bản vẽ cho người nghèo khi xây nhà", quận Bình Thạnh với mô hình "hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định", "chuyển đổi ngành nghề gắn với an sinh xã hội", Quận Thủ Đức với mô hình "câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế và dạy nghề cho hộ nghèo".
Các mô hình giảm nghèo đa chiều hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố qua ba năm thực hiện theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã tạo điều kiện và cơ hội cho hàng ngàn người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, để tổ chức vương lên thoát nghèo như: Chính sách hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, các chương trình cho vay của ngân hàng chính sách xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội.
Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Ba (ngụ 907/39D Lò Gốm, phường 5), được phường giới thiệu nhận hàng gia công quay kẽm và làm giấy, con ông được hỗ trợ học nghề làm móng. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo với thu nhập 31 triệu đồng/người/năm, đã xây được nhà mới khang trang, không còn nghèo ở cả 3 chiều về nhà ở, trình độ nghề và việc làm.
Theo ông Lê Minh Tấn, từ năm 2016, TP.HCM thực hiện giảm nghèo theo phương pháp đa chiều - vừa giảm nghèo thu nhập, vừa giảm nghèo về giáo dục, việc làm, nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, điều kiện sống. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo TP.HCM được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên giảm nghèo và làm ăn phát đạt.
Từ các giải pháp hỗ trợ, nhiều địa phương đã tập trung phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đó là mô hình kết nối doanh nghiệp nhận hàng gia công, sử dụng hiệu quả giờ nhàn rỗi tăng thêm thu nhập cho hộ cận nghèo; mô hình hỗ trợ con giống; mô hình bảng thông tin giới thiệu việc làm... Ngoài ra, TP.HCM còn có nhiều cách làm hiệu quả kéo giảm các chiều nghèo xã hội. Có thể kể đến mô hình đồng hành cùng học sinh nghèo, mô hình công việc trao tay, nuôi heo tiết kiệm; khám sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó là mô hình doanh nghiệp đồng hành cùng hộ nghèo; kết nối doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc và đào tạo nghề tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, TP.HCM còn triển khai mô hình phân cấp quản lý, trao quyền cho cơ sở và người nghèo, cận nghèo trong tổ chức thực hiện giảm nghèo. Đến nay, TP.HCM có 2.890 tổ tự quản giảm nghèo bền vững (trong đó, có 2.746 tổ hoạt động nề nếp, đạt 95%).
Việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm trên cơ sở khảo sát nhu cầu của từng người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo gắn với giải quyết các chiều thiếu hụt xã hội của hộ, từng bước vừa nâng cao thu nhập, vừa giảm các chiều thiếu hụt xã hội. Đây là mô hình quản lý, theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hiệu quả, được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao và đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước nghiên cứu triển khai thực hiện.