Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm thất nghiệp mới: Mở rộng phạm vi hỗ trợ và thiết kế linh hoạt hơn

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Lần sửa đổi này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, song thiết kế linh hoạt các chế độ hơn...

Đặc biệt, về chế độ đào tạo, luật dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động với nhiều chiến lược bài bản hơn.

“Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được thiết kế để đảm bảo phù hợp hơn với người lao động”, ông Vũ Trọng Bình khẳng định.

Theo báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013 của Bộ LĐ-TB&XH, kể từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay, công tác thu, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện theo đúng quy định.

tro-cap-that-nghiep.jpg
Cả nước gần 292.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý III/2023 (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).

Hơn 800.000 người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp mỗi năm

Theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách mới khi sửa Luật Việc làm, trong giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân tăng 6,08%/năm.

Tính đến hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,6% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi.

Cũng trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6-8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước, vì số người tham gia tăng, mức đóng - hưởng tăng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số chi trợ cấp thất nghiệp cao phần nào có nguyên nhân chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay gồm một chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động, đó là chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra, vì thế người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ.

Đến nay, chưa có người sử dụng lao động nào được hỗ trợ chế độ này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tính đến hết tháng 3/2024, có trên 14,6 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; cả nước có trên 261.600 người được hỗ trợ học nghề, số người được hỗ trợ học nghề theo xu hướng cùng với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực tế cho thấy, có 4 chế độ hỗ trợ người lao động, là trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Song, phần lớn người lao động chọn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Hết năm 2023, Quỹ còn kết dư gần 60 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013 cũng cho thấy, kết dư quỹ đảm bảo cân đối tài chính, bảo đảm việc chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Về thu bảo hiểm thất nghiệp, từ năm 2009 đến nay, số thu tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2015-2023, số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 9%/năm. Đơn cử, năm 2021 là 17.000 tỷ đồng; năm 2022 là 14.505 tỷ đồng (giảm do thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15), và năm 2023 là 23.003 tỷ đồng.

Cùng với đó, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng, dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Riêng năm 2021, do thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 nên số chi bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt (năm 2021 là 47.807 tỷ đồng). Năm 2022 là 18.088 tỷ đồng, và năm 2023 là 22.637 tỷ đồng.

Từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi, hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 90 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều.

Đến các năm 2022 và 2023, số thu - chi đã tiệm cận nhau. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ còn khoảng 59.357 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá nhìn chung, quy định về mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp, đảm bảo kết dư quỹ, là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua.

Các nội dung chi từ quỹ đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện và chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trợ cấp thất nghiệp…

Mở rộng diện tham gia Bảo hiểm thất nghiệp

Từ những vấn đề đặt ra, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung các quy định về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với các chế độ mới.

Về đối tượng, định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bổ sung đối tượng người có giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, nhưng làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, bổ sung đối tượng về người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương, và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, bổ sung quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên, do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.

Luật sửa đổi cũng dự kiến bổ sung một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bổ sung quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động và mức hỗ trợ của Nhà nước tối đa bằng 1% tiền lương tháng.

Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến quy định tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng tại thời điểm đóng.

Với nhiều giải pháp đặt ra, Bộ LĐ-TB&XH tính toán, khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm còn khoảng 6,5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm, tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp.

Được biết, năm 2023, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân là 5 tháng.

Như vậy, nếu mức hưởng bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 5 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 2.625 tỷ đồng, tương ứng khoảng 10% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm.

Dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024.

Tin liên quan