Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một bệnh nhân được BHYT chi trả phí khám chữa bệnh gần 4,5 tỷ đồng

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) - Có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo, là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn như nhóm bệnh về: tim mạch, ung thư, bệnh hiếm...

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng. 

Một bệnh nhân được BHYT chi trả phí khám chữa bệnh gần 4,5 tỷ đồng - 1
Một số trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí lớn, hầu hết là trẻ em (Ảnh minh họa: Trần Huyền).

Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng như nhau. Người tham gia được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, được quỹ thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí lớn từ năm 2023 đến hết tháng 4 năm nay, hầu hết là trẻ em.

Trong đó, người bệnh được chi trả cao nhất là hơn 4,465 tỷ đồng, mã thẻ TE1303622XXXXXX, sinh năm 2019, địa chỉ phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, chẩn đoán bệnh chính là “Tăng huyết áp, Đái tháo đường type, Suy thận”.

Người bệnh được chi trả cao thứ 2 là 4,372 tỷ đồng, mã thẻ TE1171721XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”.

Tiếp theo là 6 trường hợp được chi trả 3-4 tỷ đồng. Đó là người có mã thẻ TE1242422XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”, được chi trả hơn 3,687 tỷ đồng.

Người có mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Hội chứng loạn sản tuỷ xương, Bệnh bạch cầu cấp loại tế bào không xác định”, được chi trả hơn 3,684 tỷ đồng.

Người bệnh được chi trả cao thứ 5 là hơn 3,635 tỷ đồng, mã thẻ TE1353521XXXXXX, sinh năm 2019, địa chỉ xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.

Người có mã thẻ TE1010131XXXXXX, sinh năm 2021, địa chỉ xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”, với hơn 3,198 tỷ đồng.

Bệnh nhân có mã thẻ TE1797939XXXXXX, sinh năm 2020, địa chỉ phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM được chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”, được chi trả hơn 3,065 tỷ đồng.

Bệnh nhân có mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2021, địa chỉ xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”, được trả hơn 3,021 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 2 bệnh nhân được chi trả mức 2-3 tỷ đồng. Trong đó, một người bệnh có mã thẻ TE1363622XXXXXX, sinh năm 2020, địa chỉ xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”, được chi trả hơn 2,676 tỷ đồng.

Người bệnh mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2022, địa chỉ tại phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”, được chi trả hơn 2,534 tỷ đồng.