Mùa Thị Mỉ (sinh năm 1991, dân tộc Mông ở bản Phiêng Ban) phấn khởi cho biết, thu nhập mỗi năm của cả gia đình lên đến vài trăm triệu đồng. Mỉ hào hứng kể, mỗi năm gia đình gieo 20kg ngô giống, thu hoạch được 140 tạ ngô. Mấy năm gần đây, gia đình Mỉ trồng thêm 1ha cây sa nhân. "Ở những diện tích đất bằng phẳng, gia đình trồng ngô để nuôi lợn, nuôi gà… phần còn lại bán. Một ít diện tích đất có giao thông đi lại thuận lợi dành để trồng cỏ nuôi bò. Còn phần diện tích đồi núi dốc, gia đình trồng sa nhân", Mỉ nói rồi tiếp tục kể, để tăng thêm thu nhập, những lúc nông nhàn, chồng Mỉ lại xuống Quảng Ninh làm thuê.
Cách nhà Mỉ không xa, trước đây, gia đình Thào A Vàng (sinh năm 1986) thuộc hộ nghèo. A Vàng bảo, trước đây nhà thuộc hộ nghèo vì 5 nhân khẩu nhưng chỉ có Vàng có thể làm việc. Bố mẹ già thường xuyên ốm đau, vợ của Vàng có bệnh nên sức khỏe yếu. Mọi gánh nặng dồn hết lên vai Vàng, nhà ở cũng tạm bợ… Khi vợ Vàng qua đời, gánh nặng lại càng đè lên vai anh. Năm 2016, bản bình xét, gia đình Vàng thuộc hộ nghèo. Vàng được dự án hỗ trợ bò sinh sản từ dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 10kg ngô giống, phân bón, tiền điện hàng tháng… nên phần nào giúp gia đình giảm bớt khó khăn.
Sau khi anh Vàng cưới vợ mới, nhà có 2 lao động chính nên kinh tế khấm khá dần lên. "Lúc mình khó khăn nhất nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, nay có sức khỏe không lý gì vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, gia đình tôi được thoát nghèo. Hiện tôi trồng 1ha ngô, 1ha sa nhân, nuôi bò, lợn nái và 1 đàn lợn thịt, gà…", anh Vàng phấn khởi khoe.
Ông Thào A Dia, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Ban cho biết, toàn bản có 175 hộ và 100% là người dân tộc Mông. Năm 2016, cả bản có 14 hộ nghèo, thì nay chỉ còn 2 hộ nghèo. "Những hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về con giống (bê con), giống ngô, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt nên hầu hết đã thoát nghèo. 2 hộ nghèo còn lại do sức khỏe yếu lại đông nhân khẩu", ông Dia nói.
Do đặc điểm địa hình của bản Phiêng Ban nằm trên núi cao nên trước đây, người dân chỉ trồng ngô và một số ít diện tích dành để trồng lúa nương. Khoảng 7 năm trở lại đây, những diện tích ở vùng đồi dốc, xa nơi ở người dân chuyển sang trồng cây sa nhân cho hiệu quả kinh tế cao lại không mất nhiều công chăm sóc.
Ông Dia cho biết, từ năm 2012, một số hộ dân được xã cử đi tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế và đã mang cây sa nhân về trồng thử. Khí hậu ở Phiêng Ban khá mát mẻ, sau 1 năm, cây sa nhân phát triển tốt, đẻ nhánh nhanh, không bị dịch bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Năm 2014, 2ha sa nhân đã cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt gần 1,5 tấn quả tươi/ha, với giá bán 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu được hơn 150 triệu đồng.
Thấy người đi trước trồng hiệu quả, lại được cán bộ xã lên tận bản tuyên truyền, vận động, bà con trong bản thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây sa nhân. Để "chắc ăn", cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn kỹ thuật theo cách "cầm tay chỉ việc", từ việc làm đất, tự ươm cây giống để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm...
Cũng theo ông Dia, trong bản, hộ nào cũng chuyển đổi đất đồi dốc sang trồng sa nhân với tổng diện tích lên đến 54ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tạ quả/ha, với giá bán khoảng 70 - 120 nghìn đồng/kg. Trồng sa nhân chỉ mất công trồng và chăm sóc ban đầu và sau 2 năm đã cho thu hoạch.
Ông Dia cho biết, so với trồng ngô, cây sa nhân mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần. Nếu như trồng ngô giúp người dân đủ ăn, thoát nghèo thì trồng sa nhân giúp người dân từng bước làm giàu.