Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang): Chính phủ có nhiều biện pháp để nâng cao nguồn nhân lực

(Dân sinh) - “Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp để nâng cao nguồn nhân lực; giải quyết việc làm cho 8 triệu người lao động, trong đó có nhiều giải pháp để giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững”, đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan - Bắc Giang nhấn mạnh.

Theo bà Lan, thời gian qua, Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, trong đó để thể hiện chính sách dân tộc, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Đề án chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục, y tế, Chính phủ đã có nhiều đổi mới, tiến bộ ở tất cả các cấp học.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang): Chính phủ có nhiều biện pháp để nâng cao nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang).

Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, Chính phủ coi phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần tạo niềm tin của người dân, ủng hộ đồng tình với Chính phủ trong quyết tâm thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế", phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc. Công tác thông tin, truyền thông cũng đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội.

Bên cạnh đó, công tác này cũng đã góp phần ngăn chặn các tin giả, các tin sai sự thật. Vấn đề môi trường, cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được quan tâm thường xuyên, an ninh quốc phòng được giữ vững. Cử tri rất phấn khởi trước tinh thần phục vụ nhân dân và một Chính phủ quyết liệt, một Chính phủ vì dân trên một số mặt. Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành, nhiều cấp đã biến các quan điểm này thành hiện thực. Như các hoạt động của Tổ công tác được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trong việc kiểm tra các cấp, các ngành trong giải quyết các thủ tục hành chính hay đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử, đưa dịch vụ công phục vụ nhân dân của nhiều cấp, nhiều ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở nhiều địa phương.

Nhiều bộ, ngành đã quan tâm tìm cách tham mưu xây dựng, hoàn thiện cải cách, đổi mới luật pháp, tăng trách nhiệm phục vụ nhân dân, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm các loại giấy tờ phải chứng thực. Điều đó càng thể hiện rõ hơn trong điều kiện, hoàn cảnh phức tạp một Chính phủ vì dân đã tập trung lực lượng vũ trang, lực lượng các ngành trong công tác cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai, bão lũ., trong phòng chống dịch bệnh, trước đại dịch COVID-19, tinh thần đó đã lan tỏa khắp các địa phương.

Bà Lan cho rằng, vừa qua Chính phủ cũng đã rất quan tâm, quyết liệt trong việc hoạch định chính sách dân tộc. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là đề án với nguồn lực lớn, địa bàn rộng, đối tượng đông. Vì vậy, bà Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo công tác triển khai, hướng dẫn trong quá trình tổ chức và thực hiện. Có thể khẳng định rằng, những chuyển biến trong tinh thần phục vụ nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, người dân vẫn mong mỏi tinh thần quyết liệt phục vụ nhân dân tiếp tục được phát huy, được phục vụ cao hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.