Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2021-2025

(Dân sinh) - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Trong 3 ngày thảo luận tại hội trường, có 112 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 4 đại biểu phát biểu 2 lần, có 18 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và 7 Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, TN&MT, GD&ĐT, Tài chính, KH&ĐT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề liên quan.

Đại biểu đồng tình với dự báo tăng trưởng năm 2020 dự kiến khoảng từ 2-3%

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá: nhìn chung, nội dung thảo luận bao quát toàn diện, đi sâu vào những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2021-2025 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận tại hội trường.

Các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Nhiều ý kiến đồng tình với dự báo tăng trưởng năm 2020 như Chính phủ dự kiến khoảng từ 2-3%.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể hóa kịp thời, linh hoạt của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Đến nay, cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại đạt kết quả tích cực tạo đà thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội các năm tiếp theo. "Đây là kết quả tích cực, rất ấn tượng trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm sâu, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2021-2025 - Ảnh 2.

Đại biểu Vương Hồng Hà phát biểu tại hội trường.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề như chất lượng cơ cấu lại nền kinh tế chưa thật vững chắc; công tác quy hoạch thực hiện quy hoạch chưa tốt; việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cũng còn một số hạn chế nhất định, những hạn chế trong chính sách thu, tỷ lệ huy động và cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước; tốc độ giải ngân vốn đầu tư chậm nhất là đối với các dự án trọng điểm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính, quản lý tài sản, công, tài chính, công ty có một số tiến bộ nhưng còn chưa nghiêm, còn thất thoát và lãng phí…

Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ, cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức đang gây nhiều bức xúc trong xã hội…

Kết quả Chương trình giảm nghèo bền vững khá tích cực

Đánh giá thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định theo nghị quyết. Công tác quản lý, điều hành khá tốt, đã ban hành được hệ thống cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Kết quả đạt được Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là khá tích cực. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, đó là củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn còn hạn chế. Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn còn chậm, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là ở vùng miền núi còn nhiều hạn chế. Kết quả xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo chưa đồng đều giữa các vùng, miền...

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát, 15 mục tiêu cụ thể và 4 cân đối lớn theo báo cáo của Chính phủ, cũng như các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra để thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Chính phủ cần tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. Chú trọng công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công cho giai đoạn tới, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, khắc phục được những hạn chế mà kế hoạch tài chính 5 năm trước đã nêu trong báo cáo. Có ý kiến cho rằng, một số chỉ tiêu đặt ra khá cao, cần được rà soát kỹ thêm.

Đồng tình với đề xuất 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội cơ bản thống nhất với Chính phủ về dự kiến tổng mức đầu tư đầu tư công giai đoạn tới. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp, các công trình ứng vốn giai đoạn trước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông có tính liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Cần lưu ý một số vốn cho một số dự án liên quan đến vấn đề phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố hệ thống đê xung yếu, quy hoạch, bố trí lại dân cư vùng bị tác động trực tiếp của thiên tai, xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp… trong kế hoạch và phát triển.

Nhiều ý kiến đồng tình có 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Song, cần rà soát, lồng ghép, tránh chồng chéo, phân tán, thiếu tập trung, hiệu quả không cao và trình Quốc hội để xem xét quyết định cùng với kế hoạch tài chính quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án hồ chứa nước sông Than tỉnh Bình Thuận, hồ chứa nước bản Mồng tỉnh Nghệ An. Có ý kiến cần thận trọng trong quản lý rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và cho rằng thẩm quyền điều chỉnh 2 dự án này là của Chính phủ.