Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đại dịch đang "ngấm" sâu vào từng người lao động, triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là quyết sách hợp lòng dân

(Dân sinh) - “Những khó khăn trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp”, đại biểu Thủy nhấn mạnh. Do đó quyết định của Đảng, Nhà nước quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

Quốc hội dành 1 ngày (25/7) để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.

Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bắc Kạn) dành trọn thời gian để phân tích những vấn đề nóng trong ứng phó với đại dịch. Bà Thủy cũng chia sẻ về sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

“Hình ảnh những chiến sỹ áo xanh ngày đêm bám chốt, canh gác nghiêm ngặt từng mét biên cương để chặn nguồn lây, tận tụy chăm lo cho bà con khu cách ly cho thấy được sự hy sinh thầm lặng của bộ đội ta. Công an các cấp đã siết chặt quản lý địa bản để bảo đảm nghiêm nhu cầu chống dịch", bà Thủy nói.

Đại dịch đang "ngấm" sâu vào từng người lao động, triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là quyết sách hợp lòng dân - Ảnh 1.

Quốc hội dành 1 ngày (25/7) để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH (Ảnh: VIỆT HÙNG)

Còn lực lượng y tế chưa bao giờ đặt vào tình thế khẩn cấp như hiện nay. Hàng chục nghìn nhân viên y tế đã, đang phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu như đốt ngày hè và những bữa cơm ăn muộn, ăn vội, ăn bữa trưa khi đã quá giờ chiều… diễn ra trong suốt thời gian chống dịch, "thậm chí còn ngủ gục bên hộp cơm đang ăn dở”, đại biểu chia sẻ.

Đặc biệt, Việt Nam có Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19 rất giỏi và giàu kinh nghiệm. “Tất cả những điều đó đã tạo thành tấm lá chắn vững chắc cho người dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Nữ đại biểu cho rằng, bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị. Trong suốt thời gian chống dịch, nhiều hoạt động bị ngừng lại, nhưng phong trào đóng góp, tương thân tương ái thì lại nở rộ khắp nơi. Gần đây, quỹ vaccine càng thấy được tấm lòng của người dân, doanh nghiệp….

“Những khó khăn trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp”, bà Thủy nhấn mạnh. Do đó quyết định của Đảng, Nhà nước quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

Bà kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm thống kê liên thông để rà soát nhanh chóng đến với người thụ hưởng, đồng thời tránh bỏ sót, trùng lắp. "Chính phủ cũng cần đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp hiện nay để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới", bà Thủy nhấn mạnh.

Đại dịch đang "ngấm" sâu vào từng người lao động, triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là quyết sách hợp lòng dân - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình)

Chống lãng phí để có thêm nguồn lực chống dịch bệnh

Nói về dịch bệnh Covid -19 chưa có dấu hiệu dừng lại, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, cần phải có giải pháp lâu dài vì có thể “Covid -19 sẽ không bao giờ biến mất và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh”.

Bên cạnh các giải pháp chiến lược vaccine + 5K, điều trị, nâng cao trách nhiệm xã hội… theo nữ đại biểu cần phải có các kịch bản kịch bản cụ thể của các cơ quan nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, không để đứt gãy sản xuất

Bà Tâm đặc biệt nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn tài chính cho phòng, chống dịch COVID -19.

“Hiện tượng lãng phí vẫn còn phổ biến. Nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Cử tri cho rằng, lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng”, nữ đại biểu đoàn Quảng Bình nói.

Nhắc lại nghị quyết của Đảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, những theo đại biểu, “nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như là tồn tại, hạn chế, khuyết điểm”.

Bà Tâm cho rằng, phát hiện hành vi tham nhũng có thể gặp khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, trình độ, thủ đoạn tinh vi, còn hành vi lãng phí dễ dàng nhận diện hơn.

“Nếu kiên quyết, có chế tài mạnh, chúng ta có thể chống lãng phí hiệu quả và có thêm nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.