Sáng nay, 25/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.
Quốc hội cũng thảo luận nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Chương trình được truyền hình cả nước để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.
Có chiến lược sống chung với dịch bệnh
Là đại biểu đầu tiên phát biểu ý kiến, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) bày tỏ tán thành với báo cáo về tình hình KT-XH và ngân sách của Chính phủ, trong đó có nhiều thành tích đạt được rất đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, nói bên cạnh thành tựu đã đạt được, đất nước đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình lớn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp gây ảnh hưởng tới tình hình trong nước.
Bà đề nghị, ngoài các biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong chống dịch, như biện pháp 5K, chiến lược vaccine... thì cần thêm những giải pháp, kịch bản lâu dài; thậm chí "chúng ta phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh, hướng tới trạng thái bình thường mới".
Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng không đứt gãy thì Chính phủ cần quan tâm tới người lao động trong khu cách ly, để họ yên tâm sản xuất.
Hỗ trợ nhanh chóng doanh nghiệp, người lao động
Đánh giá cao gói 26 nghìn tỷ, trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống doanh nghiệp, người lao động, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng Nghị quyết Nghị quyết 68 của Chính phủ là quyết sách kịp thời, thiết thực.
Về phòng chống dịch đại biểu đoàn Bắc Kạn bày tỏ băn khoăn, ở một số địa phương việc áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp; không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn.
"Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được đi qua chốt kiểm soát dịch nhiều tỉnh, nhưng đến địa phương cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi nơi một quy định khác nhau", bà Thủy nói.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao gói 26 nghìn tỷ nhanh, phù hợp, kịp thời trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp.
"Gói hỗ trợ đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, thực sự là sự hỗ trợ nhanh chóng của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh khó khăn, cấp bách do Covid-19 gây ra"., ông Lộc nói.
Nhìn nhận, đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đến nay khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cho biết, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội.
Vì vậy, thời gian tới việc thực hiện mục tiêu kép sẽ rất khó khăn, nhưng cần kiên trì thực hiện. Trong đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là quan trọng nhất.
Ông đề nghị Quốc hội giao Thủ tướng có quyền quyết định áp dụng các biện pháp chưa có trong luật hoặc khác với quy định hiện hành, để kịp thời ứng phó với đại dịch chưa có tiền lệ hiện nay.
Tại buổi thảo luận, các thành viên Chính phủ cũng tham gia phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cuối buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.