Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc như trong Báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã nêu. Phát triển kinh tế nhưng người dân hằng ngày vẫn đang đối mặt với ô nhiễm và hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe cho thế hệ tương lai. Phát triển kinh tế suy cho cùng cũng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhưng sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí đến nguồn nước và thực phẩm, nghĩa là từ thở, đến uống và ăn đều trở nên nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự được nâng cao. Chính vì vậy mà ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề mà cử tri quan tâm.
"Không có kỳ tiếp xúc cử tri nào mà không có kiến nghị của cử tri về vấn đề này, nhưng kết quả thì ô nhiễm vẫn tiếp diễn. Câu hỏi nhiều cử tri đặt ra là liệu Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm môi trường hay chưa?", đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP. Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Chính phủ có nêu tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề lưu vực một số song nếu như trước đây ô nhiễm là nhỏ lẻ, cục bộ thì nay đã trở thành diện rộng và trở nên nghiêm trọng. Tất cả các vấn đề liên quan đến rác, chất thải rắn, chất thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, trước mắt là vấn đề đời sống xã hội nhưng sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề an ninh trật tự hay nghiêm trọng hơn là vấn đề chính trị ở nhiều địa phương, không chỉ ở những thành thị lớn mà ngay cả những vùng nông thôn miền núi.
"Đơn cử như vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, trong lúc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành ngày càng tiệm cận đến văn minh, khoa học tiên tiến của thế giới. Chúng ta nói nhiều đến công nghệ 4.0 nhưng các địa phương vẫn loay hoay tìm kiếm công nghệ chôn lấp, đốt rác." , đại biểu nêu thực tế
Còn theo đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau), những sự cố liên quan đến xả thải của các doanh nghiệp ra biển, ra các dòng sông, ra lưu vực sông trên khắp cả nước từ nhiều năm qua đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân làm nghề khai thác thủy sản, đặc biệt, sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước ở Hà Nội vừa qua đã cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở và ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.
"Chúng ta đều nhận thức được rằng mức độ nguy hiểm như thế nào khi sự cố nhà máy nước vừa rồi nếu chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác. Từ những vấn đề ô nhiễm nguồn nước do xả thải trực tiếp ra sông hoặc là xử lý chưa đảm bảo theo quy định và càng có nhiều nguyên nhân khác hơn thì vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay là đã đến lúc Chính phủ, các bộ, các ngành, chính quyền các địa phương có liên quan cần phải nghiêm túc xem xét, tổ chức thực hiện triệt để tổ chức thực hiện tốt các luật như là Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Thủy lợi năm 2017.", đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ: chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương rà soát lại và có báo cáo cụ thể với Chính phủ việc tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiến hành quy hoạch liên quan đến nguồn nước lưu vực sông theo Luật Quy hoạch để đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và cho sản xuất; chỉ đạo kiểm tra các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhà máy nước trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là chú ý giải pháp chủ động ngăn chặn việc cố ý gây ô nhiễm, gây nhiễm độc cho nguồn nước thô làm nguyên liệu để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và giải pháp dự phòng của cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, nhiễm độc nguồn nước nếu có xảy ra. Đồng thời, rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho dân cư phù hợp với điều kiện địa lý, điều kiện khí hậu của mỗi vùng, đặc biệt là vùng dân cư ven biển khan hiếm nguồn nước ngọt.