Trong hai ngày 4 - 5/11, tại TP.HCM, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Hội thảo có sự tham dự của bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM; bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA); bà Lê Hồng Loan, Đại diện Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng các chuyên gia, đại biểu đến từ các tỉnh, thành phía Nam.
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Hải Hà cho biết, Quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân đã được ghi nhận tại Điều 34 của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã rất quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì an sinh xã hội là một trụ cột để đảm bảo an ninh - chính trị và góp phần cho công tác nâng cao tốt hơn đời sống người dân.
Kể từ khi Đề án phát triển nghề công tác xã hội được phê duyệt, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành LĐ-TB&XH, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.
Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm...
Tuy nhiên theo Phó Cục trưởng, hiện nay các dịch vụ CTXH vẫn còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất còn thiếu. Đặc biệt, đội ngũ các bộ, nhân viên ngành CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
"CTXH không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác", Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội khẳng định.
Về chủ đề nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội cho NCT, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh trình bày, ở nông thôn giới trẻ ngày càng giảm, người cao tuổi (NCT) thường sống một mình dẫn đến tình trạng già hóa dân số.
Vai trò công tác xã hội rất dài vì phải chăm sóc NCT dài hạn (chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội), vì vậy dự báo trong tương lai sẽ thiếu nguồn nhân lực để chăm sóc NCT.
Để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho xã hội già hóa bao gồm cán bộ công tác xã hội và người chăm sóc có quy chuẩn về chất lượng, cũng như quy định tiêu chuẩn và gắn trách nhiệm cụ thể trong giám sát chất lượng dịch vụ.
Ông Bùi Tiến Dũng, Chuyên gia Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành Giáo dục có sự tham gia từ sớm trong việc phê chuẩn mã ngành đào tạo CTXH năm 2004. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH. Gần đây nhất thông tư 33/2019 đã được phê duyệt trong việc quy định nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong trường học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức được phê duyệt về vị trí hay mã số nghề nghiệp của nhân viên CTXH trong lĩnh vực giáo dục từ đó hạn chế việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Tại Hội thảo các đại biểu được chia thành 2 nhóm thảo luận góp ý Dự thảo đề án: Pháp lý trong CTXH; Phát triển dịch vụ CTXH; Nguồn nhân lực CTXH.
Qua thảo luận đa số các đại biểu đều cho rằng, để phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cần phải nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực ngành CTXH. Để thực hiện được mục tiêu này cần chú trọng vào công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên ngành CTXH trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước.
Đồng thời, trong công tác tuyển dụng nguồn nhân lực phải ưu tiên những người được đào tạo bài bản có trình độ đại học, cao đẳng về CTXH. Tránh tình trạng những người có năng lực chuyên môn thực sự lại không được tuyển dụng, gây lãng phí.