Quan tâm chăm lo cho trẻ về vật chất và tinh thần
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chính sự chăm lo này đã tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Mọi người vẫn thường nói, trẻ em là tương lai của đất nước, là mầm xanh của xã hội, trẻ em phải được học hành, vui chơi. Thế nhưng, thực tế lại không được như vậy, bên cạnh những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khá giả, được học tập vui chơi, cũng còn một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các em phải tự đi làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân, thậm chí nuôi gia đình, em nhỏ. Bình Dương là tỉnh thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh, do đó, số lượng trẻ em theo gia đình đi làm và trẻ em đến tìm việc chiếm khá đông. Làm gì để giúp trẻ em được hưởng những quyền lợi của mình, có lẽ đây là điều băn khoăn lo lắng không chỉ riêng ngành chức năng mà là nỗi lo chung của toàn xã hội.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, cho biết: "Thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp huyện và các xã, phường nên các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng hoàn thiện. Công tác xã hội hóa chăm lo cho trẻ em thuộc các xã vùng nông thôn đã tạo cơ hội cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Cụ thể dịp Tết Nguyên đán các đoàn đi thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc với 4.628 trẻ em trên toàn tỉnh được nhận quà Tết trị giá 2.636.650.000 đồng và 16 cơ sở Bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập cũng được đoàn lãnh đạo của tỉnh đến thăm và tặng quà tổng trị giá 195.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, trong Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6 ngoài việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, tỉnh còn tổ chức thăm tặng quà cho 1.500 trẻ em với tổng kinh phí là 225 triệu đồng cho đối tượng trẻ em là con người lao động nhập cư, trẻ em di cư đang tham gia tại 40 câu lạc bộ "Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS" (tại TP. Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên). Nhân dịp này toàn tỉnh có trên 25.000 phần quà bánh, tiền mặt, đồ dùng học tập…trị giá khoảng 8 tỷ đồng được trao tặng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em sống trong các Cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) từ ngân sách cấp huyện, xã và do các mạnh thường quân trao tặng."
Xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em
Thực hiện phong trào "Xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em", công tác chăm sóc trẻ em tại địa phương luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các hoạt động thiết thực đã được diễn ra như: Tổ chức Trung thu cho trẻ, chắp cánh ước mơ tuổi thơ, chương trình "Trại hè thiếu nhi" với hoạt động vui chơi văn hóa văn nghệ, diễn đàn về Quyền trẻ em, lắng nghe trẻ em nói… Qua đó đã có hàng trăm phần quà, học bổng được trao, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Năm 2019 tiếp tục duy trì hoạt động của 118 Câu lạc bộ "Bảo vệ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng" tại các khu, ấp của các huyện, thị xã, thành phố. Các Câu lạc bộ được thành lập theo Quyết định của ủy ban nhân dân xã, phường kèm theo quy chế hoạt động, mỗi câu lạc bộ có ít nhất 20 người tham gia là đại diện các ngành, đoàn thể như: ban điều hành khu, ấp, công an, mặt trận tổ quốc, phụ nữ, đoàn thanh niên, chữ thập đỏ, cựu chiến binh, người cao tuổi, cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, cộng tác viên y tế,…
Các hoạt động bảo vệ trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: hoạt động trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; hoạt động phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; hoạt động phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; hoạt động phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; Tiếp tục phát động phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc trẻ em và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, đồng thời tham mưu với chính quyền các cấp cam kết đưa các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg về thực hiện xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em năm 2018, kết quả có 91/91 đơn vị đạt xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cung cấp nhiều hơn nữa các loại tài liệu, tờ rơi có nội dung đến xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em để giúp tỉnh nhân rộng, phổ biến tại địa phương. Hơn nữa, Sở cũng kiến nghị Bộ LĐ- TB&XH nâng mức điểm đạt chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; sửa đổi, bổ sung các tiêu chí sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nâng khung điểm xã, phường, thị trấn chuẩn phù hợp với trẻ em, đạt số điểm từ 800/900 điểm. Với khung điểm hiện nay từ 650/750 thì rất dễ đạt được nên tinh thần phấn đấu của các địa phương giảm sút. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng nên xem xét lồng các chỉ tiêu quy định xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu ấp văn hóa, đô thị văn minh… làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.