Bỏ quy định về giám sát cảnh sát giao thông bằng camera từ 15/11
Nội dung này được Bộ Công an đề cập đến tại Thông tư 46/2024/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, dự kiến có hiệu lực từ 15/11/2024.
Cụ thể, nội dung về hình thức giám sát cảnh sát giao thông (CSGT) của nhân dân bằng thiết bị ghi âm, ghi hình tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA đã bị bãi bỏ bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA.
Do đó, từ 15/11/2024, nhân dân sẽ chỉ còn 5 hình thức giám sát CSGT gồm: Từ thông tin lực lượng công an công khai và trên phương tiện thông tin đại chúng; Qua chủ thể giám sát;
Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ công an; Từ kết quả giải quyết vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Từ việc quan sát trực tiếp công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của CSGT.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng với viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng I và hạng II từ ngày 1/11/2024
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 09/2024/TT-BTP ngày 6/9/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý, có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.
Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng I và hạng II như sau:
Viên chức trợ giúp viên pháp lý đăng ký dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Một là, đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II và đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BTP.
Hai là, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 05/2022/TT-BTP.
Ba là, tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
Viên chức trợ giúp viên pháp lý đăng ký dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Điều kiện thứ nhất, đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng III và đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BTP.
Điều kiện thứ hai, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2022/TT-BTP.
Điều kiện thứ ba, tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
Hướng dẫn xếp lương với viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT ngày 18/9/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập, có hiệu lực từ ngày 18/9/2024.
Theo đó, việc xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập được thực hiện như sau:
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2007/TT-BNV hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11
Luật Hợp tác xã được quy định chi tiết tại Nghị định 113/2024/NĐ-CP trong đó nêu rõ 9 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11/2024.
Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ pháp triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Chính sách hỗ trợ thông tin; Chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; Chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả;
Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Trong đó, điều kiện để được hỗ trợ tại Điều 6 Nghị định 113/2024/NĐ-CP gồm: Không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm hành vi bị cấm; không trong thời gian chấp hành bản án hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Đáp ứng một trong các tiêu chí tại thời điểm nộp đơn đăng ký.
Các tiêu chí gồm: Số lượng thành viên tăng trong 2 năm liên tiếp liền kề năm nộp đơn, tỷ lệ giao dịch nội bộ tăng trong năm trước liền kề năm nộp đơn, tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia cao hơn so với mức tối thiểu trong năm trước liền kề với năm nộp đơn…
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông từ ngày 7/11
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Thông tư 12/2024/TT-BTTTT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 7/11/2024.
Đơn cử, tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I (Mã số: V.11.01.01) như sau:
Đang giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, Mã số: V.11.01.02.
Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II (hoặc tương đương) ít nhất là đủ 6 năm. Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II thì phải có ít nhất đủ 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II không liên tục thì được cộng dồn);
Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II (hoặc tương đương) đã chủ trì hoặc tham gia biên tập ít nhất 2 (hai) tác phẩm đạt giải thưởng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc giải thưởng do cơ quan Đảng ở Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức;
Hoặc chủ trì ít nhất 2 (hai) đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành cấp bộ, cấp tỉnh trở lên mà cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II (hoặc tương đương) được tặng bằng khen hoặc đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên do có thành tích trong hoạt động nghề nghiệp.