Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý để thể hiện khái quát, đầy đủ chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách của Nhà nước về biên phòng cần thể chế hóa đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại các quy định về chính sách của Nhà nước về biên phòng, có bổ sung chính sách đặc thù như thể hiện trong dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định: "Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ về vật chất, tài chính và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên cơ sở tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế". Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 7 cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quốc phòng.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, các quy định của dự thảo luật đã cơ bản bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dẫn câu nói rất quen thuộc khi nhắc đến lực lượng biên phòng "đồn là nhà, biên giới là quê hương", ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh: "Đây là minh chứng thể hiện tấm lòng của lực lượng biên phòng thường xuyên gắn bó với biên giới. Ở nơi cuộc sống xa nhà, xa quê hương, xa người thân, bộ đội biên phòng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi đối mặt với tội phạm buôn bán ma túy, tội phạm buôn bán người, gian lận thương mại, đặc biệt là ứng phó với các sự cố thiên tai, bão lũ, đại dịch…".
Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, cần bổ sung chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Có chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính biên phòng yên tâm công tác, bám trụ địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng để gia đình yên lòng khi người thân của mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Các ĐBQH cũng đánh giá cao khi dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng và khẳng định, đây là quy định mới so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, thể chế hóa được quan điểm "nhân dân khu vực biên giới là chủ thể bảo vệ biên giới quốc gia" tại Nghị quyết số 33 – NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết thêm, quy định này còn nêu cao trách nhiệm của công dân đối với hoạt động biên phòng. Từng người dân ở khu vực biên giới nếu làm tốt trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ có lực lượng hùng hậu để thực hiện hoạt động biên phòng, vì không ai nắm rõ địa bàn, các hoạt động xảy ra tại khu vực biên giới bằng chính người dân nơi đó. Mỗi người dân sẽ là một chiến sỹ, góp phần cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; phù hợp với mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.