Về điều khoản thi hành (Điều 38) trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều Đại biểu nhất trí với quy định như trong dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 9 là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021 bởi phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ.
Quy định như vậy cũng nhằm tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo đó, đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ 1/7/2021.
Đồng tình với nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) tin rằng, Bộ Công an đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có nguồn lực, nhân lực để thực hiện nên cần đẩy nhanh tiến độ. Việc thực hiện do ý chí từng bộ ngành, Bộ Công an đã tiên phong thực hiện thì các bộ ngành khác cần phối hợp chặt chẽ để triển khai sớm. Đề nghị Quốc hội ủng hộ tiến tới thực hiện Chính phủ số.
Bên cạnh đó, một số Đại biểu đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Trong trường hợp này, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Tiếp thu, giải trình các ý kiến của cac đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an mong muốn các đại biểu nhất trí với phương án bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021. "Bộ Công an mong muốn thời điểm Luật có hiệu lực thì các điều khoản trong Luật đều được dứt khoát cùng thời điểm thi hành. Bởi bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân. Trước đây, Việt Nam đã có những quyết định bỏ một số loại sổ này sổ kia và đã mang lại sự thuận tiện cho người dân. Thực tế, người dân rất mong bỏ sổ hộ khẩu giấy", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Cũng theo Bộ trưởng, cùng với quản lý cư dân bằng sổ hộ khẩu giấy sẽ có nhiều điều khoản khác "ăn theo". Để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân cần thay đổi phương thức quản lý. Thời gian tới, sẽ vận động tất cả người dân khi có những hoạt động giao dịch như: Gửi tiết kiệm, giao dịch bất động sản…. sẽ lấy thông tin theo căn cước công dân. Bộ trưởng cho biết: "Đến nay, thông tin cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập được 90% và cơ quan chức năng đang thẩm định phúc tra. Còn 10% dân cư chưa được thu thập cơ sở dữ liệu sẽ phấn đầu hoàn thành trong 2020".
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua phần đóng góp ý kiến và tranh luận của các đại biểu Quốc hội, thời gian chuyển tiếp Luật hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đồng ý với phương án 1 trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) là người dân được sử dụng sổ hộ khẩu giấy đến năm 2022. Có ý kiến tán thành phương án 2 không cần thời gian chuyển tiếp Luật theo phương án 2: Sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021. Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng nghị chuyển từ phương án 2 thành phương án 1 và bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021. "Nội dung này hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ phát phiếu gửi đến các đại biểu để xin ý kiến", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.