Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki cho biết về cơ bản, Chính phủ Hàn Quốc sẽ huy động ngân sách bổ sung từ nguồn thu thuế gia tăng, không phát hành thêm trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách. Quy mô ngân sách bổ sung lần này cũng là mức cao nhất từ trước tới nay nếu xét đến nguồn ngân sách chỉ được trích từ khoản thu từ thuế.
Trong dự thảo ngân sách bổ sung lần này, Chính phủ Hàn Quốc phân bổ 13.400 tỷ won (11,8 tỷ USD) cho 3 gói hỗ trợ thiệt hại do dịch COVID-19, gồm gói hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ tiểu thương, hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng bằng cách hoàn trả lại một phần số tiền thanh toán qua thẻ tín dụng cho người dân. Nếu bao gồm cả khoản ngân sách từ các địa phương thì tổng quy mô 3 gói hỗ trợ này là 15.700 tỷ won (13,8 tỷ USD).
Cụ thể, gói hỗ trợ khẩn cấp chiếm quy mô lớn nhất là 10.400 tỷ won (9,2 tỷ USD). Theo đó, mỗi người dân được hỗ trợ 250.000 won (220 USD), hộ gia đình 4 thành viên sẽ có thể được chi trả 1 triệu won (882 USD). Tuy nhiên, gói hỗ trợ này sẽ chỉ được sử dụng để hỗ trợ cho 80% người dân có thu nhập thấp.
Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp sinh hoạt cơ bản, hộ cận nghèo, gia đình có một bố hoặc mẹ thì ngoài khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp, sẽ được nhận thêm 100.000 won (88 USD)/người. Tổng ngân sách chi cho khoản hỗ trợ này là 300 tỷ won (264,8 triệu USD).
Ngân sách hỗ trợ cho tiểu thương gặp thiệt hại do dịch COVID-19 có quy mô 3.250 tỷ won (2,8 tỷ USD). Đối tượng hỗ trợ là 1,13 triệu tiểu thương từng bị áp lệnh cấm tụ tập, hạn chế kinh doanh sau tháng 8 năm ngoái, hoặc được phân loại là ngành nghề bị khủng hoảng kinh doanh. Mức hỗ trợ là từ 1 triệu won (882 USD) tới tối đa 9 triệu won (7.945 USD) tùy theo ngành nghề, thời gian bị hạn chế kinh doanh và quy mô doanh thu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc phân bổ 2.600 tỷ won (2,3 tỷ USD) để hỗ trợ ổn định tuyển dụng và dân sinh, 4.400 tỷ won (3,8 tỷ USD) để nhập thêm vaccine phòng COVID-19 và mở rộng số trung tâm tiêm chủng.