Báo Giao Thông đưa tin, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có gửi văn bản yêu cầu ban an toàn giao thông các tỉnh, thành có đường sắt đi qua tăng cường các giải pháp đảm bảo toàn giao thông ngay sau vụ tai nạn nghiêm trọng tàu bị trật bánh và đổ toa xe do đâm phải ô tô tải vượt ẩu qua lối đi tự mở tại Diễn Châu (Nghệ An) vào sáng 25/9.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia còn tồn tại 4.000 lối đi tự mở, đe dọa mất an toàn. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt 2017 và các văn bản pháp luật liên quan.
"Trong thời gian chờ xóa bỏ các lối đi tự mở, cần bố trí nhân lực cảnh giới toàn giao thông tại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Ưu tiên kinh phí để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như: xây hàng rào, đường gom, bố trí cảnh giới, sửa chữa kết cấu mặt đường bộ vào đường ngang; Cương quyết không để phát sinh thêm lối đi tự mở", Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu.
Cùng đó, đơn vị này cũng đề nghị các tỉnh chủ trì và phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện các biện pháp thu hẹp lối đi tự mở, tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; làm gồ giảm tốc phần đường bộ; bổ sung biển báo đường bộ tại các đường ngang; giải tỏa vị trí vi phạm tầm nhìn, hành lang toàn giao thông đường sắt; triển khai việc kết nối tín hiệu giao thông đường bộ và đường sắt tại các đường ngang theo quy định.
"Các địa phương cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, phá dỡ hàng rào thu hẹp lối đi, lấn chiếm, sử dụng hành lang toàn giao thông đường sắt", Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu.
Theo báo Chính Phủ, theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổng số lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt lên đến hơn 4.160 vị trí. Trong đó, 625 lối đi công cộng chưa thể rào chắn thu hẹp do là lối đi chính của nhân dân khu vực và có đến 1.338 vị trí là lối đi chính vào nhà dân.
Còn phân loại theo Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017, có tới 22 vị trí là điểm đen tai nạn giao thông và hơn 1.200 vị trí là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt.
Liên quan đến đường ngang, hiện có hơn 30 điểm là điểm đen và 645 đường ngang là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt trên tổng số 1.514 đường ngang toàn hệ thống.