Cùng tham dự hội nghị có: Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Karin Hulshof; Giám đốc Mạng lưới phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương Sheldon Shaeffer; Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Shigeru Aoyagi; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng, Trưởng đoàn các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; 530 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 44 tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Tất cả cùng chung tay phối hợp để chăm lo cho trẻ em
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thế giới đang kỷ niệm 30 năm Công ước về quyền trẻ em và cũng đang rất tích cực để thực hiện Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững đến năm 2030 mà trong đó quyền và lợi ích của trẻ em được trực tiếp, gián tiếp đề cập trong hầu hết các mục tiêu. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nỗ lực luật hóa và thực hiện để bảo đảm trên thực tế đầy đủ các quyền của trẻ em đã được Công ước thông qua. Pháp luật và những chính sách của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều nhằm, trong những điều kiện còn rất nhiều khó khăn, dành sự quan tâm và đầu tư tốt nhất cho trẻ em. Các quyền của trẻ em trong Công ước được thực hiện trong thực tế, được quy đinh và điều quan trọng nhất là có một loại quyền dù rất khó quy định cụ thể trong từng điều luật nhưng lại liên quan đến tất cả các điều luật, thậm chí tất cả mọi bộ luật, mọi chủ trương chính sách đấy là quyền được sống trong yêu thương của mọi trẻ em.
"Chúng ta đều biết rằng để trẻ em có thể phát triển toàn diện, để quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ đầy đủ thì không chỉ có công tác của những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan tới trẻ em. Ai cũng hiểu rằng ở một vùng kém phát triển, để trẻ em tương lai có thể phát triển toàn diện về Đức-Trí-Thể-Mỹ thì điều đầu tiên cần phải làm giảm khoảng cách phát triển giữa vùng đó với những vùng đã phát triển. Để cha mẹ của các em, đặc biệt là các bà mẹ trẻ có đầy đủ điều kiện cần thiết, không chỉ thể chất mà cả kiến thức, tâm lý sẵn sàng cho một thế hệ trẻ mới được ra đời và được phát triển. Chúng ta cũng hiểu rằng trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, được chăm sóc sức khoẻ, được vui chơi mà phải được sống trong một môi trường hòa bình, trong sạch, đầy tình yêu thương", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng, trên thế giới vẫn còn rất nhiều trẻ em phải sống trong các khu vực có xung đột. Cứ 6 trẻ em trên thế giới thì có 1 trẻ em sống trong khu vực có xung đột. Ngay ở những nơi hòa bình, không có xung đột vẫn còn không ít trẻ em bị thiệt thòi. Làm sao trẻ em ở vùng có xung đột được bảo vệ quyền lợi đầy đủ, có thể được phát triển đầy đủ? Trên thế giới này, cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành. Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hàng năm vẫn có hàng ngàn các vụ xâm hại nghiêm trọng tới trẻ em. Và nếu tính tỷ lệ trẻ em bị người thân có những hành vi, hoặc bằng hành động, lời nói, thái độ xâm hại, ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần của các em thì con số đáng báo động hơn rất nhiều. Trên thế giới có ¾ số trẻ được bày tỏ là đã chịu sự bạo hành theo nghĩa đó từ người lớn.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta rất cần sự phối hợp không chỉ giữa nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức quốc tế, mà còn giữa nhà nước với các tổ chức, chương trình hoạt động nhân đạo; giữa các tổ chức nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của từng người dân, của từng gia đình. Đặc biệt quan trọng với các quốc gia đang phát triển,những vùng kém phát triển là phải tăng cường phổ biến tri thức tới tất cả mọi người, trực tiếp nhất là các ông bố, bà mẹ về trách nhiệm và những kỹ năng cần thiết để con cháu mình có cơ hội phát triển toàn diện.
Bà Karin Hulshof, giám đốc khu vực UNICEF Đông Á và văn phòng khu vực Thái Bình Dương nhấn mạnh sự quan trọng của các vị phụ huynh trong tương tác với con em mình. Một trong những thách thức mới là biến đổi khí hậu, tình trạng thời tiết cực đoan, nóng lên toàn cầu… Vì thế, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao. Biến đối khí hậu đặc biệt tác động tiêu cực tới trẻ nhỏ. Năm nay Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vấn đề này. "Trên thực tế, trẻ em trên toàn thế giới cần chúng ta hành động ngay lập tức để xây dựng một môi trường an toàn cho từng trẻ thơ. Đầu tư cho phát triển toàn diện trẻ thơ là đầu tư hiệu quả cho sự phát triển", bà Karin Hulshof cho hay.
Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền trẻ em
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, qua 30 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tiến bộ trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em Việt Nam cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước vào trong Hiến pháp, Luật trẻ em và các bộ luật, luật có liên quan. Đồng thời đã thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em, có bộ máy cán bộ làm công tác trẻ em từ Trung ương tới địa phương. Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và trẻ em; các cá nhân, tổ chức bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục và học tập, được bảo vệ để có môi trường sống an toàn, được vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia; phòng ngừa, xử lý có hiệu quả, hiệu lực các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, đầu tư và hỗ trợ vì sự phát triển toàn diện của trẻ em là quan điểm xuyên suốt trong các quy định của pháp luật và chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, để hướng tới phát triển bền vững và công bằng xã hội, nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ em, Chính phủ đang triển khai chiến lược chăm sóc trẻ em mang tính toàn diện hơn và chăm sóc tập trung vào những năm đầu đời của trẻ. Ngày 19/10/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025". Với quyết định này, Việt Nam trở thành một trong 69 quốc gia đã ban hành đề án tổng thể cấp quốc gia về "Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em".
Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trẻ em cũng như thực hiện chính sách tổng thể về chăm sóc toàn diện trẻ em tại Việt Nam vẫn còn những thách thức như: Một số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, nước sạch; thông tin độc hại trên môi trường mạng vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát; tai nạn thương tích trong đó đuối nước trẻ em vẫn còn ở mức cao; Mạng lưới kết nối, điều phối cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn chưa đồng bộ; Nguồn lực đầu tư cho triển khai thực hiện quyền trẻ em chưa được hoạch định rõ theo lộ trình,...
Bộ trưởng cho biết, Hội nghị sẽ bàn đến trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc ban hành khung pháp lý, chiến lược, chính sách và hợp tác đa phương về phát triển toàn diện trẻ thơ. Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi kinh nghiệm của quốc tế để thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em, đặc biệt quyền được phát triển toàn diện của trẻ em ở giai đoạn đầu đời, tập trung cho kinh nghiệm, bài học giải quyết các vấn đề và thực hiện các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong công tác trẻ em. "Tôi mong rằng, Lời kêu gọi hành động từ Hà Nội sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả vấn đề phát triển toàn diện trẻ thơ tại mỗi quốc gia trong khu vực giai đoạn tới. Những việc làm của chúng ta hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cho trẻ em một sự phát triển toàn diện, một khởi đầu tốt đẹp, một thời thơ ấu an toàn và hạnh phúc không chỉ đảm bảo thực hiện quyền trẻ em mà còn cung cấp cho các em cơ hội phát triển khi các em lớn lên bước vào tương lai đầy tự tin", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.