Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đền Hùng nườm nượp du khách ngày cuối tháng Giêng

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) -  Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí vào ngày cuối tháng Giêng (ngày 9/3 dương lịch) lượng du khách tới tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng rất đông.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía bắc, cách thủ đô Hà Nội 90km.

Được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thời Hậu Lê (thế kỷ XV) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.

Quần thể Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng và Lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. 

2dbfd6a26ea9c2f79bb8.jpg
Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai (Ảnh: Trần Huyền).

Đền Hạ được xây dựng từ thế kỷ 17 đến 18, trải qua nhiều đợt trùng tu (gần nhất năm 2011) nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu. 

Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. 

den hung 13.jpg
Đông đảo người dân đến vãn cảnh và cầu nguyện  (Ảnh: Trần Huyền).

Vì gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ nên về đền Hạ người dân thường cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp về đường con cái và gia đình, việc sinh nở được vẹn toàn vì quan niệm Mẫu là người bảo trợ cho mẹ tròn con vuông.

den hung 1.jpg
Du khách đến Đền Hùng đều cầu mong cho một năm mới bình an, mọi điều tốt đẹp hơn năm cũ (Ảnh: Trần Huyền).
den hung 2.jpg
Rất nhiều chiến sĩ công an được tăng cường để bảo vệ an toàn cho du khách tham quan (Ảnh: Trần Huyền).
den hung 5.jpg
Hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hình thành của Đền Trung (Ảnh: Trần Huyền).

Sau khi bước qua 159 bậc đá, du khách đến đền Trung nằm lưng chừng núi. Đền Trung có tên chữ là "Hùng Vương tổ miếu" hay miếu thờ tổ vua Hùng.

Tương truyền đây là nơi các vua Hùng thường cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước.

den hung 6.jpg
Lượng du khách đến tham quan Đền Hùng ngày 3/9 rất đông (Ảnh: Trần Huyền).

Vào đời Hùng Vương thứ 6, đền Trung là nơi diễn ra cuộc thi tìm người tài để trị vì đất nước. Hoàng tử út Lang Liêu chiến thắng nhờ làm ra món bánh chưng, bánh giày tượng trưng cho trời tròn đất vuông.

Vua Hùng khen bánh ngon, ý hay nên đã truyền ngôi. Lang Liêu thành Hùng Vương thứ 7.

2b27615e8e5722097b4680.jpg
Du khách tham quan, thắp hương tại đền Thượng (Ảnh: Trần Huyền).

Từ đền Trung, đi khoảng 100 bậc sẽ đến đền Thượng, nằm ở vị trí cao nhất trên núi. Đền có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, nghĩa là điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh.

Tương truyền, đây là nơi vua Hùng thường lập đàn tế trời cầu quốc thái dân an. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ.

den hung 15.jpg
Khu vực sắp Lễ luôn trong tình trạng quá tải (Ảnh: Trần Huyền).
den hung 7.jpg
Thời tiết se lạnh, mưa nhỏ nhưng không làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của du khách (Ảnh: Trần Huyền).
8ff5fc3f80352c6b7524.jpg
Du khách thắp hương tại Lăng Hùng Vương (Ảnh: Trần Huyền).

Tương truyền Lăng Hùng vương là mộ của vua Hùng thứ 6, với lời căn dặn rằng: "Khi ta mất hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả để ta có thể trông coi bờ cõi cho con cháu". Mộ được xây dựng ở thế đầu đội sơn chân đạp thủy. 

Lăng Hùng vương tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu": dựa vào sườn núi Hùng và trông ra ngã ba Bạch Hạc.

den hung 11.jpg
Khu vực giếng cổ vẫn có nhiều du khách thả tiền mặc dù đã có biển "Cấm thả tiền xuống giếng" (Ảnh: Trần Huyền).

Từ đền Thượng xuống đền Giếng sẽ qua Giếng Rồng còn gọi là Giếng Cổ. Tương truyền đây là nơi Tổ Mẫu Âu Cơ sau khi sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm người con, đã dùng nước giếng tắm cho các con.

den hung 9.jpg
Các dịch vụ hàng hóa rất đa dạng phục vụ du khách (Ảnh: Trần Huyền).
den hung 14.jpg
Thời tiết ngày 9/3 rất đẹp thuận lợi cho người dân tham quan tại đền Hùng (Ảnh: Thu Hà).
den hung 8.jpg
Du khách ghé mua đồ kỷ niệm cho người thân  (Ảnh: Trần Huyền).
den hung 12.jpg
Du khách mua thịt chua ống tre- đặc sản của Đền Hùng (Ảnh: Trần Huyền).

UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 816/KH-UBND về tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn - 2024.

Theo kế hoạch, phần Lễ bao gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4 (tức mùng 6/3 năm Giáp Thìn);

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong" ngày 18/4 (tức mùng 10/3 năm Giáp Thìn);

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh ngày 9-18/4 (tức mùng 1-10/3 năm Giáp Thìn).

Phần Hội (Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ) có nhiều hoạt động, trong đó năm nay chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn - 2024 và họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền vào ngày 9/4 (tức mùng 1/3 âm lịch) được tổ chức tại Sân khấu Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác như: Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn hát Xoan làng cổ; Hội thi Bơi chải mở rộng... được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

 

.

 

Tin liên quan
Triệu trái tim hướng về đất Tổ

Triệu trái tim hướng về đất Tổ

(LĐXH) - Từ những ngày đầu tháng 3 âm lịch, hàng nghìn lượt đồng bào, du khách thập phương bắt đầu hành hương về Đền Hùng trước ngày chính hội.