Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hoá đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức giảm nghèo bền vững

Dân sinh
Dân sinh

Xác định công tác nâng cao nhận thức để giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác truyền thông, từ đó giúp người nghèo tiếp cận các nguồn lực để thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, thực hiện Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ 100% số vốn cho các đơn vị, địa phương thực hiện. 

Đối với Tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Thông tin và Truyền thông triển khai lập dự án sửa chữa nâng cấp 17 đài truyền thanh cho các xã đặc biệt khó khăn khu vực III với số tiền trên 8 tỷ đồng. Đồng thời, lập dự toán trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng đối với cụm thông tin điện tử tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn với nguồn kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương đã tổ chức 220 hội nghị tập huấn với 21.282 học viên. Dự kiến năm 2025 tổ chức 50 hội nghị với 5.000 học viên, cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn.

Thanh Hoá đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức giảm nghèo bền vững - 1
Hội thi truyền thông về giảm nghèo bền vững (Ảnh: Quách Tuấn).

Đến hết năn 2024, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 75% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. Ước đến hết 2025, dự kiến sẽ hoàn thành đạt tỷ lệ 93% so với kế hoạch được giao giai đoạn 2021-2025. 

Đối với Tiểu dự án 2 truyền thông về giảm nghèo đa chiều, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị như đã tổ chức hội thi truyền thông ở cấp tỉnh và một số cấp huyện bằng hình thức sân khấu hóa kết hợp trưng bày báo tường và sản phẩm từ các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Thông qua hội thi để tuyên truyền về các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tổ chức hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo; xây dựng pa nô, tờ rơi tuyên truyền.

Các cơ quan cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tuyên truyền trên các đài truyền hình, đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã gồm 372 phóng sự, tin bài, 5.380 bản tin truyền thanh, 240 bản tin truyền hình và các hình thức tuyên truyền khác trên địa bàn về các chính sách giảm nghèo. 

Tổ chức 166 hội nghị tập huấn, đối thoại tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều, treo 1.339 băng-rôn, pa -nô truyền thông giảm nghèo ở các vị trí công cộng nhằm nâng cao nhận thức đối với người nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.

Phát hành tài liệu về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 195.695 tờ rơi tuyên truyền chính sách và hướng dẫn cán bộ giảm nghèo và người dân về quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm. 

Từ các hoạt động đã có 101 gương điển hình là cá nhân, tập thể trong lĩnh vực giảm nghèo được biểu dương, khen thưởng, 14.665 cán bộ giảm nghèo các cấp được tham gia.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, đến hết năm 2024, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 90% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông. Đến hết 2025, dự kiến sẽ hoàn thành đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch được giao giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) Thanh Hóa cho biết, thông qua hoạt động truyền thông, các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định; người nghèo được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách.

“Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi và chuyển biến nhận thức đối với mục tiêu giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông còn khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. 

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân về công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều hộ nghèo, người nghèo có ý thức, ý chí chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo…”, ông Lương chia sẻ.

Quách Tuấn

Tin liên quan