Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Điện ảnh đánh thức tiềm năng du lịch

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Điện ảnh đã được khẳng định là kênh quảng bá du lịch hữu hiệu trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Những cảnh quay đẹp trong các bộ phim bom tấn có thể tạo ra "ma lực" thu hút khách du lịch, giúp các điểm đến, địa danh, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong phim trở nên nổi tiếng.

Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của nhiều vùng chưa được các nhà làm phim đánh thức và khai thác hiệu quả.

Việt Nam đã và đang là nguồn tài nguyên hấp dẫn cho nhiều nhà làm phim với nhiều cảnh quan tươi đẹp, địa danh du lịch nổi tiếng cùng bề dày văn hóa truyền thống lâu đời.

Hành trình của một du khách.png
Phim "Hành trình tình yêu của một du khách".

Thực tế, không ít tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển của ngành du lịch một số tỉnh, thành phố.

Sau thành công của các bộ phim: Chuyện của Pao (2006), Cánh đồng bất tận (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Cha cõng con (2017), Mắt biếc (2019), Em và Trịnh (2022), Lật mặt 7: Một điều ước (2024)... những bối cảnh quay ở Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế, Đà Lạt, TPHCM… đã trở thành điểm du lịch mà nhiều du khách tìm đến trải nghiệm. 

Theo thống kê năm 2018 - 2019 của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đến địa phương sau khi các phim trên được công chiếu là khá ấn tượng, như: Phú Yên tăng 113%, Hà Giang tăng 64%, Quảng Ninh tăng 69%, Quảng Bình tăng 141%...

Đặc biệt, gần đây nhất có thể kể đến bộ phim "Hành trình tình yêu của một du khách" do Netflix quay tại các điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Giang - chỉ sau 4 ngày công chiếu đã xuất sắc lọt vào vị trí thứ 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu trong top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như 77 quốc gia. 

Phong cảnh Việt Nam lung linh hơn bởi các góc quay chuyên nghiệp. Không chỉ danh lam thắng cảnh mà những nét thuần hậu của người Việt, tà áo dài thướt tha hay cách đón tết, cảnh múa lân... xuất hiện trong phim cũng làm nổi bật nét văn hóa của người Việt và thôi thúc khán giả quốc tế tới Việt Nam để khám phá và trải nghiệm.

Tuy nhiên, những thước phim đẹp về các vùng miền xuất hiện trong các bộ phim phần lớn mới chỉ dừng lại là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung và chưa thực sự phục vụ mục đích quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch ở Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên, chưa được phát huy đúng mức. 

Trước đó, năm 2023, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, đây là lần đầu tiên có chương trình kết nối giữa hai lĩnh vực du lịch và điện ảnh được thực hiện của Bộ VH-TT&DL; đồng thời cũng là lần đầu tiên thông qua các diễn đàn có được sản phẩm cụ thể là các thỏa thuận về xây dựng phim trường, về đầu tư cho điện ảnh, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và là cơ hội để ngành du lịch Khánh Hòa quảng bá, giới thiệu về sự đa dạng cảnh quan, điểm đến cũng như chất lượng của các sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp với các dự án phim.

Sau thành công của sự kiện năm 2023, Bộ VH-TT&DL tiếp tục tổ chức Chương trình “Du lịch - Điện ảnh và Thể thao: Tự hào bản sắc Việt” dự kiến diễn ra trong tháng 8 tại Bình Định.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, chương trình sẽ là cơ hội để các đối tác, nhà đầu tư, các nhà hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển du lịch của tỉnh Bình Định; đồng thời cùng nhau trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến để làm thế nào kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch và điện ảnh, thúc đẩy mạnh mẽ quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia, quảng bá điểm đến du lịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.

Quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương có bối cảnh phim thông qua các tác phẩm điện ảnh;  gắn kết hơn nữa mối liên hệ giữa địa phương, doanh nghiệp và nhà hoạt động điện ảnh trong việc mang lại hiệu quả du lịch từ điện ảnh".

Các hoạt động trong chương trình như: Chiếu phim miễn phí, đại nhạc hội, triển lãm, hội thảo... góp phần kết nối di sản văn hóa vùng Nam Trung bộ trong công tác quảng bá du lịch, liên kết với nhau thành hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch của cả vùng nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng; tạo dựng môi trường, nhịp cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, các nhà quản lý cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch - điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các điểm đến của Việt Nam tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế…

Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa du lịch và điện ảnh, góp phần quảng bá điểm đến của Việt Nam một cách hiệu quả hơn.

Duy Linh

Báo Lao động Xã hội số 70

Tin liên quan
Còn “chặt chém” còn mất khách

Còn “chặt chém” còn mất khách

(LĐXH) - Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong mắt du khách, thế nhưng tình trạng “chặt chém” du khách, đặc biệt với khách...