Giải pháp nào để du lịch Việt Nam thu hút dòng du khách là người Hồi giáo?
Tiềm năng lớn
Theo Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu, thị trường du lịch Halal của người Hồi giáo khá tiềm năng và sôi động, với nhu cầu ngày càng tăng của 2,1 tỷ người Hồi giáo (chiếm 23% dân số toàn cầu).

Lượng khách du lịch Hồi giáo quốc tế ước tính tăng từ 108 triệu vào năm 2013 lên 160 triệu khách vào năm 2019 (trước dịch Covid-19). Dự báo đến năm 2030, chi tiêu cho du lịch từ thị trường này sẽ lên đến 341,1 tỷ USD/năm.
Với tiềm năng này, nhiều năm nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Anh đang nỗ lực để thu hút du khách Hồi giáo, coi đây là thị trường để phục hồi và phát triển du lịch.
Tại Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) đánh giá, thị trường du lịch Halal tập trung đông ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương.
Cụ thể là các quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Hồi đông là: Ả Rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ…
Nhiều năm nay, du khách từ các quốc gia Hồi giáo đến Việt Nam tăng đáng kể. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia, năm 2023, khách Halal đến Việt Nam là công dân từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, các nước Trung Đông đạt khoảng 1,5 triệu lượt, chiếm gần 12% trong 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong đó, thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh, năm 2023, đã có 392.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Không chỉ là đối tượng thích đi du lịch mà du khách Hồi giáo còn là nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Ông Đoàn Đức Minh, Phó trưởng khoa Du lịch Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, tiềm năng du lịch của dòng khách Hồi giáo tại Việt Nam là rất lớn.
“Du khách Hồi giáo thường có mức chi tiêu cao hơn so với khách du lịch thông thường. Theo một số nghiên cứu, mức chi tiêu trung bình của khách Hồi giáo cho mỗi chuyến đi khoảng 1.800 đô la Mỹ, cao hơn 30% so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế", ông Minh nói.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền Thông Công ty Lữ hành Vietluxtour, cũng cho biết thị trường này có mức chi tiêu bình quân cao nhất trong lượng khách quốc tế mà công ty phục vụ và đang trở thành một thị trường tiềm năng, dù lượng khách trong năm 2024 chưa thực sự lớn.
Sau chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Malaysia vào tháng 11/2024 và việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp Halal. Đây được xem là cánh cửa mở ra nhiều thuận lợi cho ngành du lịch Halal Việt Nam.
Ngoài ra, chuyến thăm còn thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Điển hình, hãng hàng không Vietjet Air đã khai trương thêm đường bay kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, trong khi Saigontourist Group ký kết hợp tác với Tập đoàn Genesis Group nhằm phát triển du lịch giữa hai nước.
Trước đó, vào cuối tháng 10, lãnh đạo Việt Nam cũng có chuyến thăm đến 3 quốc gia Trung Đông gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar. Những chuyến thăm này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút du khách từ các thị trường này.
Cần nắm “gu” văn hóa, ẩm thực của du khách
Mặc dù thị trường Halal được đánh giá có thể tạo được “đòn bẩy” để phát triển du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, song nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn để có thể thu hút hiệu quả dòng khách này.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cơ sở vật chất, dịch vụ cho khách Hồi giáo tại Việt Nam còn thiếu. Ngoài ra, việc thiếu thông tin, hiểu biết và nhận thức về văn hóa Hồi giáo cũng đang là rào cản khiến nhiều địa phương, đơn vị du lịch chưa đón được dòng khách này.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) Nhữ Thị Ngần cho hay, việc khai thác thị trường du lịch Halal vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu hợp tác và liên kết với các tổ chức và doanh nghiệp Halal.
Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu chứng nhận Halal cho các sản phẩm, dịch vụ, trong đó có ẩm thực.
Chia sẻ kinh nghiệm đón du khách Hồi giáo, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel cho hay đơn vị này đang triển khai những dịch vụ dành riêng cho khách Hồi giáo.
"Công ty thiết kế các tour du lịch riêng đảm bảo yêu cầu về ẩm thực Halal", bà Hoàng nói và cho biết lịch trình tour thường sắp xếp thời gian khách cầu nguyện, lựa chọn các địa điểm tham quan phù hợp với đạo Hồi, chọn điểm lưu trú là khách sạn có chứng nhận tiêu chuẩn Halal, hướng dẫn viên là người am hiểu văn hóa Hồi giáo hoặc là theo tôn giáo này.
Ông Trần Văn Tân Cương (Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam) cho biết, nhu cầu du lịch Halal ngày càng tăng. Mỗi chuyến đi của người Hồi giáo bao gồm điểm đến du lịch với di sản Hồi giáo. Ở một số khu vực, chuyến tham quan còn bao gồm cả việc tham quan cộng đồng Hồi giáo địa phương và nhà thờ Hồi giáo.
Ông Cương cho rằng, các doanh nghiệp du lịch có thể nắm bắt dòng khách này bằng cách cung cấp các dịch vụ và gói dịch vụ chuyên biệt đáp ứng sở thích đa dạng của du khách Hồi giáo.
Từ đó, mang đến cho khách Hồi giáo những trải nghiệm phù hợp với giá trị tôn giáo và văn hóa. Muốn được vậy, doanh nghiệp phải hiểu, tôn trọng nhu cầu và sở thích riêng biệt của du khách Hồi giáo.
Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo nhận thức văn hóa cho nhân viên, cung cấp các dịch vụ phù hợp với các yêu cầu cho người Hồi giáo. Đồng thời, phải làm sao tạo ra một môi trường hòa nhập, thân thiện và chào đón du khách tại địa điểm hay khu vực của mình quản lý.
Ngoài ra, việc giải quyết cơ sở hạ tầng và hậu cần cũng là điều quan trọng để mang lại trải nghiệm liền mạch cho du khách Hồi giáo.
Thực phẩm cho người Hồi giáo luôn sẵn có cho đến việc cung cấp các cơ sở cầu nguyện và thời gian cầu nguyện được chỉ định nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể cho khách của mình. Đầu tư vào hệ thống giao thông và truyền thông hiệu quả cũng có thể giúp hợp lý hóa hoạt động và cải thiện sự hài lòng của khách hàng.
Ông Cương cho hay, yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ du lịch Hồi giáo. Hiểu được các sắc thái văn hóa và truyền thống của du khách Hồi giáo có thể giúp các doanh nghiệp điều chỉnh dịch vụ của mình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường này.
Ông Cương đề xuất các doanh nghiệp du lịch nên tích hợp các yếu tố văn hóa vào dịch vụ, chẳng hạn như thêm biển báo tiếng Ả Rập, cung cấp thảm cầu nguyện trong phòng nghỉ và đảm bảo phòng hướng về Mecca (hướng Tây Nam).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể triển khai các nền tảng đặt phòng trực tuyến đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ du lịch Hồi giáo, cung cấp các tour du lịch ảo đến các điểm đến thân thiện với người Hồi giáo. Sử dụng phương tiện truyền thông từ mạng xã hội để kết nối với du khách Hồi giáo.
Mặt khác, đầu tư vào công nghệ thông minh, chẳng hạn như ứng dụng di động cho thời gian cầu nguyện và chỉ đường cũng có thể nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể cho khách du lịch.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 17