Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Doanh nghiệp, lao động mong hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP

(Dân sinh) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động cầm chừng, không có việc làm khiến một nửa lao động nghỉ việc trong khi đó Công ty vẫn phải hỗ trợ cho người lao động, ông Lê Tín Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ điện Tín Nghĩa ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) cho biết: "Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ điện Tín Nghĩa có 25 người, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, từ tháng 5/2021 Công ty cho 12 lao động xây lắp nghỉ việc trong khi đó vẫn hỗ trợ cho các lao động này theo mức quy định chung. Khi biết Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 qua gói hỗ trợ 26.000 tỷ tôi rất vui phấn khởi. Tôi đã làm hồ sơ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn tạm thời để trả lương cho người lao động, khôi phục sản xuất. Hiện tại các hồ sơ của Công ty đã hoàn thành và đang chờ Ngân hàng xét duyệt để giải ngân" – ông Nghĩa thông tin.

Doanh nghiệp, lao động mong hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP - Ảnh 1.

Liên tục phải nghỉ giãn cách để phòng chống dịch, chị Hoàng Thị Dung rất mong mỏi được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ

Liên tục phải nghỉ giãn cách để phòng chống dịch đồng nghĩa với việc không có lương trong khi đó vẫn phải duy trì đóng bảo hiểm, trang trải cuộc sống gia đình, chị Hoàng Thị Dung, giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP. Thanh Hóa cho biết: "Đợt nghỉ dịch gần nhất từ 11/5 đến 21/6 vừa qua khiến cuộc sống của gia đình em gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng cùng phải nghỉ việc không lương. Để hỗ trợ chi phí cho gia đình em phải về quê kiếm các mặt hàng đưa lên TP. Thanh Hóa bán qua hình thức online. Khi biết tin Nhà nước có gói hỗ trợ 26.000 tỷ,  trong đó có đối tượng là giáo viên mầm non tư thục em thấy rất vui và phấn khởi bởi đó không chỉ là vật chất mà là món quà tinh thần để những người lao động vực dậy sau chuỗi ngày gian khó. Em cũng mong rằng Nhà nước có thêm các gói hỗ trợ hơn nữa để người lao động khắc phục, vượt qua dịch bệnh. Các bác sỹ, chiến sỹ nỗ lực chống dịch để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường"- chị Dung nói.

Với 18 xe khách chạy các tuyến đường dài, tuy nhiên đã nhiều tháng nay, hầu hết xe của công ty đều trong tình trạng "đắp chiếu" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bà Trần Thị Hải - Giám đốc Công ty TNHH và TMDL Hải Định ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: "Nếu không có dịch, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến, thế nhưng từ năm ngoái đến nay, hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch. Năm nay hầu hết các xe nghỉ từ 30/4 đến giờ, nhúc nhắc được vài xe chạy đến hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Lúc chưa cấm xe thì nhiều tuyến xe cũng phải nghỉ do không có khách hoặc khách quá ít mà không đủ tiền dầu. Công ty có 94 lao động, đến giờ chỉ còn 6 lao động. Lao động được giữ lại là kế toán, một số thợ sơn, thợ bảo dưỡng, sửa chữa xe"- bà Trần Thị Hải nói.

Nói về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người đại diện Công ty TNHH và TMDL Hải Định cũng cho biết rất vui và mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp phần nào bớt khó khăn hơn.

Theo ông Lê Xuân Long - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa cho biết, dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến cho ngành vận tải thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản khi hàng trăm phương tiện buộc phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên ông Long cũng rất vui mừng vì Chính phủ đã có những chính sách kịp thời động viên, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "Doanh nghiệp rất vui và mong được tiếp cận sớm gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ với hi vọng sẽ là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp đang trên đà phá sản"- ông Long thông tin.

Ông Lê Minh Hành, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ sẽ là động lực để chủ sử dụng lao động và người lao động vực dậy vượt khó trong đại dịch Covid-19. Ngay khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, tỉnh Thanh Hóa đã lập tức triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ sớm nhất đến người thụ hưởng. Đến ngày 28/7 có 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Nhiều huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; đồng thời tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất"- ông Hành nói.

MỘC MIÊN
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ