Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghị quyết 68 của Chính phủ: Quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân

(Dân sinh) - Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đưa Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, khẩn trương, kịp thời chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.


Nghị quyết 68 của Chính phủ: Quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.


Gói hỗ trợ với 4 điểm nổi bật

Thứ nhất, đây là gói hỗ trợ của Chính phủ đối với đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh đang diễn ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã phải đương đầu với đợt dịch COVID lần thứ ba và lần thứ tư diễn ra liên tiếp. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 và đang tiếp tục có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của cả các doanh nghiệp và người dân.

Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch bệnh khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thương hiệu trên thị trường bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng do thu nhập bị giảm sút và mất việc làm (báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. So với quý I, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng này).

Do vậy, Nghị quyết 68 của Chính phủ là một quyết sách kịp thời, đúng lúc, có tác dụng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước đại dịch.

Thứ hai, so với gói hỗ trợ lần 1 (năm 2020), gói hỗ trợ lần này theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;  hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất. Đây là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 68 cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người lao động/ tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Có thể nói, các chính sách rất thiết thực và phù hợp nêu trên không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Thứ tư, việc ban hành một quyết sách không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà còn tạo điều kiện, tiền đề để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống có hiệu quả. Do vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cụ thể, Nghị quyết 68 đã quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện, đó là: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương (tỉnh, thành phố).

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và quán triệt quan điểm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, sự ra đời của Nghị quyết 68 góp phần tạo thêm niềm tin, động lực và khả năng chống chịu của người lao động và doanh nghiệp với đại dịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết thì việc đưa Nghị quyết vào thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, là khâu quyết định, là thước đo sự thành công của một quyết sách.

... và 4 khuyến nghị

Thứ nhất, Nghị quyết 68 của Chính phủ liên quan đến nhiều chính sách, đối tượng thụ hưởng và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, do vậy việc triển khai thực hiện phải tuân thủ các quy định chỉ đạo của Chính phủ và tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan. Điều này không chỉ giúp cho các đối tượng được hỗ trợ được hưởng kịp thời chính sách của Chính phủ, mà còn nâng cao hiệu quả của gói hỗ trợ theo các mục tiêu đặt ra.

Thứ hai, trong 12 chính sách trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, có 7 nội dung liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho các đối tượng là lao động ngừng việc, mất việc, F0, F1, trẻ em, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh. Đây là khoản hỗ trợ cần được thực hiện ngay, hoàn thành sớm nhất nhằm kịp thời hỗ trợ các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Đó cũng là tinh thần mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã chia sẻ tại cuộc họp báo công bố Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/7 vừa qua, đó là hiện nay “người dân đang rất mong chờ, ngóng từng ngày gói hỗ trợ này. Vì vậy, cơ quan nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, địa phương nào để tiêu cực, dẫn đến trục lợi là có tội với dân”, “việc triển khai càng nhanh giờ nào càng tốt giờ đó”. Có thể nói, đây cũng là tinh thần chung của Chính phủ và mọi cơ quan, cá nhân có liên quan đến việc thực thi Nghị quyết 68.

Thứ ba, trong các đối tượng được nhận gói hỗ trợ thì những người nghèo mà phần lớn là người lao động tự do, là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương lớn nhất, nhưng lại khó tiếp cận kịp thời và đầy đủ gói cứu trợ. Đây cũng là một hạn chế của đợt triển khai gói hỗ trợ năm 2020, do người lao động tự do luôn di chuyển ở các địa phương, công tác lấy xác nhận địa phương của người lao động với chi trả ở địa phương khác rất khó kiểm soát, từ đó dẫn tới tình trạng người lao động không được hỗ trợ kịp thời.

Do vậy các địa phương cần chủ động và kịp thời để gói hỗ trợ đến tay người lao động sớm nhất.

Thứ tư, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ chỉ có thể đem lại hiệu quả tích cực, khi được toàn thể cộng đồng xã hội chung tay chia sẻ, đóng góp; phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, tính sáng tạo của mỗi người dân nhằm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Điều này không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn là giá trị tinh thần, tạo động lực để mọi người chung vai chống đỡ và vượt qua đại dịch, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Nghị quyết 68 vừa được triển khai, trong khi TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và nhiều địa phương trong cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm để đẩy lùi dịch bệnh COVID. Để sớm đem lại cuộc sống bình thường trong bối cảnh này, tầm quan trọng và quyết tâm trong việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chỉnh phủ một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất càng được khẳng định. Đó cũng chính là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ.