Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ghép hình lá cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhận hiến máu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những ngày cuối tháng 8, không khí hướng đến kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9 diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước.

Trào lưu vẽ hình cờ Tổ quốc thể hiện niềm tự hào dân tộc được nhiều người thực hiện. Có những người đã vẽ cờ Tổ quốc bằng một cách rất đặc biệt! 

Những giấy chứng nhận hiến máu sau gần 2 thập kỷ

Ảnh2.jpg
Lá cờ Tổ quốc hình thành từ quá trình tích cực tham gia hoạt động hiến máu gần 20 năm qua của Thiếu tá Phạm Văn Hiếu. Ảnh: Văn Hiếu

Tại Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, khi sửa soạn tủ cá nhân chứa những giấy chứng nhận hiến máu được nâng niu gần 2 thập kỷ, anh bỗng nảy ra ý tưởng ghép lá cờ đỏ sao vàng bằng những giấy chứng nhận đặc biệt này.

Để thực hiện ý tưởng, thiếu tá Hiếu đã mất nhiều giờ suy nghĩ, sắp xếp làm sao cho hợp lý, kết thành hình lá cờ Tổ quốc. Giấy chứng nhận hiến máu một mặt nền đỏ, chữ vàng lấp lánh khá phù hợp tạo thành lá cờ.

Sau khoảng 30 phút loay hoay, mày mò ghép vào, tháo ra, chỉnh góc trái rồi lại xoay góc phải, anh Hiếu đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc từ 26 giấy chứng nhận hiến máu của mình. Chia sẻ về câu chuyện trên, anh cho hay, nhận thức được tầm quan trọng, nghĩa cử cao đẹp của thông điệp “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, nên tích cực hăng hái tham gia phong trào hiến máu tình nguyện.

Từ năm 2007 đến nay, anh đã 26 lần tình nguyện cho đi những giọt máu của mình với mong muốn chia sẻ khó khăn và giúp các số phận không may mắn, cần truyền máu để duy trì sự sống. Anh vừa  trực tiếp hiến máu, vừa tích cực cổ vũ, tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình hưởng ứng tham gia. Đến nay, gia đình anh đã có tổng cộng 51 lần hiến máu nhân đạo.

Ghi nhận tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện thời gian qua, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu đã nhiều lần được các cấp, ngành trong và ngoài lực lượng công an biểu dương, khen thưởng.

"Em nghĩ cuộc đời cho đi là còn mãi"

Ảnh1.jpg
Thùy Trang bên tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC 

Cũng tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, Nguyễn Thị Thùy Trang (24 tuổi, quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ năm 2020 đến nay, Trang đã hơn 20 lần đi hiến máu.

“Đợt dịch Covid-19, đọc trên mạng em thấy có cụ bà 75 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa bị thiếu máu sau phẫu thuật. Do không bị Covid-19 nên em đã chạy xe ra bệnh viện hiến máu cho bà”, Trang kể.

Nói về ý tưởng xếp hình lá cờ Tổ quốc bằng giấy chứng nhận hiến máu, Trang chia sẻ, cách đây ít ngày, tình cờ xem Tiktok thấy xuất hiện trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên nóc nhà được nhiều người thực hiện nên có ý định sẽ làm theo. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, Trang không thể triển khai.

Sau đó, Trang nảy ra ý tưởng dùng giấy chứng nhận hiến máu của mình để xếp thành hình cờ Tổ quốc rồi chụp ảnh chia sẻ trên trang cá nhân. Sau khi những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, cô gái nhận được lời khen của nhiều người. “Để thực hiện ý tưởng này, em đã dùng 21 tấm giấy chứng nhận hiến máu để xếp. Phải mất hơn một giờ em mới xếp được hình ngôi sao 5 cánh ở giữa. Em khá bất ngờ khi được nhiều người quan tâm và ủng hộ", Trang nói.

Kể về hành trình 4 năm hiến máu của mình, Trang cho biết đã trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ về những lần tham gia. "Có đợt đêm giao thừa, có người cần máu, em đã đi xe từ quê ra thành phố để kịp hiến máu cứu người. Sau mỗi lần như vậy em cảm thấy rất vui và tự hào vì được góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ người bệnh vượt qua khó khăn", Trang tâm sự.

Cô gái gen Z cũng cho hay, ngoài việc hiến máu nhân đạo, cách đây 3 năm, cô đã đăng ký hiến mô tạng. "Em nghĩ cuộc đời cho đi là còn mãi, giúp được mọi người là cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Hiện em tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện, tổ chức các buổi nấu cháo, kêu gọi từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn", Trang chia sẻ.

Chàng trai cụt một tay “vẽ” lá cờ Tổ quốc từ 30 giấy chứng nhận hiến máu

Ảnh4.jpg
Thiếu tá Phạm Văn Hiếu ghép cờ Tổ quốc từ các giấy chứng nhận hiến máu cứu người.

Chia sẻ về thành quả "vẽ" lá cờ Tổ quốc từ những giấy chứng nhận hiến máu trong 8 năm qua của Nguyễn Phúc Đức (sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Trao đổi về ý tưởng này, Phúc Đức cho hay, gần đây, rất nhiều bạn trẻ thực hiện vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái nhà của mình để thể hiện lòng tự hào dân tộc, hướng đến kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Tuy nhiên, do gia đình không đủ điều kiện thực hiện lời kêu gọi "biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ Tổ quốc", Đức đã nảy ra ý tưởng sắp xếp những giấy chứng nhận hiến máu của mình thành lá cờ đỏ sao vàng.

Để thực hiện ý tưởng, Phúc Đức đã mất nhiều giờ vẽ phác họa, sắp xếp làm sao cho hợp lý, kết thành hình lá cờ Tổ quốc ấn tượng. Sau quá trình loay hoay ghép vào, tháo ra, Phúc Đức đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc từ quá trình gần 1 thập kỷ tham gia công tác thiện nguyện, hiến máu cứu người của mình.

Phúc Đức tâm sự, khi học lớp 6, sau khi bị bể chứa nước đổ vào người, em bị mất đi cánh tay phải. Quá trình thích nghi với cơ thể khuyết tật, tập luyện thuần thục cánh tay trái cho mọi việc không hề dễ dàng. Cũng vì lẽ đó, chàng trai trở thành người sống hướng nội, ngại ra chỗ đông người. 

Nhờ tham gia hoạt động tình nguyện tại trường học, địa phương, giúp bạn trẻ này sống cởi mở, chan hòa với mọi người hơn. Hai người bạn thân tham gia hiến máu tình nguyện đã động viên Đức đăng ký cùng.

“Vì chưa tham gia hiến máu tình nguyện bao giờ nên tôi rất sợ. Cứ nhắm mắt nghĩ đến cảnh kim tiêm vào cánh tay thôi khiến tôi đổ mồ hôi hột. Song được sự động viên của anh chị tình nguyện viên, tôi đã mạnh dạn thử một lần", Phúc Đức chia sẻ.

Ảnh3.jpg
Lá cờ Tổ quốc đặc biệt của Nguyễn Phúc Đức được kết từ giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo. Ảnh: NVCC

Kể về lần đầu tiên tham gia hiến máu, bạn trẻ này vẫn khắc ghi câu nói của những tình nguyện viên là “nỗi đau mà người tham gia hiến máu chịu đựng khi kim chọc vào không là gì so với nỗi đau của bệnh nhi đang từng ngày, từng giờ chờ đợi nhận máu”. Sau lần đầu tiên tham gia, nam sinh viên khẳng định mình đã bị “nghiện” hiến máu. Cứ đủ số ngày quy định của Bộ Y tế, Phúc Đức đều xin hiến máu, giúp đỡ những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Sau 8 năm, Phúc Đức đã có 30 lần tham gia, cùng với đó là nhận về 30 giấy chứng nhận. Em nâng niu, cất giữ cẩn thận từng giấy chứng nhận. Nhờ hoạt động này, Phúc Đức trở thành thành viên tham gia thích cực các câu lạc bộ hiến máu tại địa phương. Câu nói quen thuộc của chàng sinh viên khi muốn lan tỏa tinh thần hiến máu nhân đạo đến bạn bè là "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Hiến máu nào!”.

“Ban đầu tham gia tình nguyện trong thâm tâm tôi là cho đi không nhận lại. Tuy nhiên, nhìn lại 8 năm qua, tôi nhận được rất nhiều điều khi thay đổi bản thân, không còn rụt rè và mang sức trẻ giúp đỡ cộng đồng", Phúc Đức chia sẻ.

Hoài Sơn - Thanh Tùng - Hoa Lê

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan
Gieo chữ ở Trường Sa

Gieo chữ ở Trường Sa

(VTE) - Cùng với các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biên cương và hải đảo, những người dân Việt Nam cũng âm thầm góp sức gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng...