Theo đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 mất 25 cent, tương đương 0,62%, về 40,02 USD/thùng. Dầu Brent cũng lùi 21 cent, tương đương 0,48%, xuống 43,42 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ thế giới có nhiều phiên trồi sụt trong suốt tuần qua, khi những nỗ lực khôi phục kinh tế của các nước lại bị đẩy lùi do diễn biến khó lường từ đại dịch Covid-19, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu giúp thị trường nhiên liệu hấp dẫn hơn, giữ giá dầu không bị lao dốc và kết thúc tuần tăng 2,6% với dầu WTI và tăng 5% với dầu Brent. Tuy nhiên, trên MarketWatch, giới kinh doanh tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng khiến ngay đầu tuần, giá dầu tiếp tục lao dốc.
Theo báo cáo hôm thứ Sáu (31/7) của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô của Mỹ lao dốc (16,6%) trong tháng 5, giảm kỷ lục 2 triệu thùng/ngày xuống còn 10 triệu thùng/ngày. Cùng thời điểm, Nga cũng giảm sản lượng khai thác về 9,4 triệu thùng/ngày. Báo cáo của OPEC vào cuối tháng 7 cho thấy, Ả Rập Xê Út cũng giảm 27% sản lượng trong tháng 5, xuống mức 8,48 triệu thùng/ngày. Từ tháng 8 này, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Nga, các nước đồng minh và các nước trong tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (gọi chung là OPEC+) đã hết hạn cắt giảm.
Tại thị trường trong nước, giá xăng hôm nay (3/8) theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex là xăng E5 RON92 giá 14.409 đồng/lít; xăng RON95 14.973 đồng/lít; dầu diesel 12.397 đồng/lít; dầu hỏa 10.279 đồng/lít.