Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giáo dục phòng chống ma túy học đường: Cần vào cuộc quyết liệt hơn

(Dân sinh) - Ngày nay, ma túy ngày càng trở thành một hiểm họa đối với toàn nhân loại. Tệ nạn ma túy không chỉ ở môi trường xã hội thuần túy mà đã len lỏi vào từng trường, lớp học. Việc phòng chống ma túy học đường cần vào cuộc quyết liệt hơn.

Tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng tăng

Theo ước tính của Cơ quan phòng chống kiểm soát ma túy và Tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), thế giới hiện nay có khoảng 275 triệu người nghiện, sử dụng ma túy trong đó 164 triệu người sử dụng cần sa, 37 triệu người nghiện và sử dụng ma túy tổng hợp; 18 triệu người nghiện và sử dụng heroin; 17 triệu người nghiện ma sử dụng cocain, số còn lại nghiện và sử dụng các loại ma túy khác.

Giáo dục phòng chống ma túy học đường: Vì sao chưa hiệu quả? - Ảnh 1.

Đa dạng hình thức tuyên truyền trong học đường.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tính đến tháng 6/2020, cả nước có 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng. Tuy nhiên, nếu thống kê cả số người nghi nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số còn cao hơn và là nguy cơ gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đáng báo động, tình hình người nghiện ma túy sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện (miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng MTTH lên đến 80-95% trong tổng số người nghiện ma túy). Người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ, thuộc mọi thành phần xã hội, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn, lái xe.

Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm ngoái (với hơn 11.200 vụ); xuất hiện tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy. Tình trạng tội phạm ma túy sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ ngày càng manh động và nguy hiểm. Đặc biệt là các đối tượng trong những vụ án còn rất trẻ, phần lớn là lứa tuổi 9X và 10X.

Vì sao tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng gia tăng?

Theo các nhà nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng gia tăng.

Đầu tiên phải kể tới những ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường dẫn đến những tác động đối với lối sống của giới trẻ như: lối sống thực dụng, buông thả... một số học sinh không làm chủ được bản thân đã sa vào tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma tuý. Sự tác động của lối sống thực dụng, văn hoá phẩm độc hại dẫn đến một số em có lối sống chơi bời trác táng tham gia vào các tệ nạn xã hội.

Tiếp theo, một trong những lý do khiến tỷ lệ thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy đó là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý học sinh ở một số địa phương chưa thực sự có hiệu quả. Công tác quản lý địa bàn dân cư ở một số địa phương chưa tốt, nên ở một số khu vực xung quanh các trường học hoặc tại nơi các em cư trú, sinh sống còn nhiều tụ điểm cờ bạc, mại dâm, ma tuý từng ngày từng giờ tác động đến suy nghĩ và hành động của lứa tuổi trẻ, trong đó có các em học sinh.

Ngoài ra, việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ buông lỏng quản lý, thậm chí một số cơ sở vì hám lợi nhuận đã sẵn sàng ngoảnh mặt làm ngơ để các đối tượng vô tư sử dụng ma túy trong cơ sở của mình cũng chính là chất "xúc tác" dẫn đến việc nhiều học sinh, sinh viên nghiện ma túy, thậm chí trở thành "con buôn" ma túy.

Cuối cùng, là xuất phát từ phía gia đình những thanh thiếu niên nghiện ma túy. Trên thực tế, một bộ phận các bậc cha mẹ do mải làm ăn, lo kiếm tiền mà thiếu quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt của con cái; nuông chiều con cái quá mức hoặc trong gia đình có người lớn tuổi cũng mắc nghiện hoặc có hành vi buôn bán ma tuý....cũng sẽ là lý do khiến con trẻ tìm đến ma túy.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như trên, việc nghiện ma túy đôi khi cũng xuất phát từ chính bản thân các em. Sự thiếu hiểu biết về ma tuý và những tác hại mà nó gây ra nên nhiều em học sinh có thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến và những loại ma túy tổng hợp. Thậm chí nhiều em học sinh còn cho rằng ma túy không gây nghiện và chơi ma túy là để thể hiện bản lĩnh, đẳng cấp của mình mà không nghĩ đến tác hại của nó đến bản thân, gia đình và xã hội.

Giáo dục phòng chống ma túy học đường: Vì sao chưa hiệu quả? - Ảnh 2.

Các em học sinh hào hứng với các chuyên đề tuyên truyền phòng mừa ma túy

Tâm lý các em học sinh dễ bị kích động; chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo và thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình, nhà trường. Đầu tiên là tò mò "thử một lần cho biết", rồi lần 2, lần 3, dẫn đến nghiện và lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay. Khi đã lệ thuộc vào ma túy, các em bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột, thậm chí phạm tội hình sự để có tiền hút, chích.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp những "con nghiện" ma túy tuổi vị thành niên có gia đình hoàn cảnh khá đặc biệt. Nhiều em bố, mẹ bỏ nhau; gia đình bất hoà, mồ côi cha mẹ hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn... từ đó dẫn đến buồn chán cô đơn, không làm chủ được bản thân các em đã chủ động tìm đến với ma tuý.

Như vậy cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng gia tăng, gây ra hệ lụy lớn đối với gia đình và xã hội. Do đó, việc trang bị cho các em học sinh, sinh viên những kỹ năng, kiến thức cơ bản về ma túy ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều cực kỳ quan trọng giúp các em chủ động tránh xa ma túy, ngăn chặn được sự tấn công của các loại ma túy mới vào giới trẻ hiện nay.

Vai trò của nhà trường trong giáo dục phòng chống ma túy

Việc gia tăng tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy, việc nhiều học sinh trở thành những "con nghiện, con buôn" ma túy cũng đặt ra một vấn đề với các nhà trường đó là: Phải tăng cường công tác giáo dục phòng chống ma túy tại trường học.

Giáo dục phòng chống ma túy học đường: Vì sao chưa hiệu quả? - Ảnh 3.

Việc giáo dục phòng ngừa mạ túy trong trường học cần được đẩy mạnh và hoạt động thiết thực hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giáo dục phòng chống ma túy tại trường học còn có những hạn chế. trong đó có việc truyền thông không phù hợp với tâm lý lứa tuổi người tiếp cận, sử dụng các thuật ngữ chưa phù hợp; các phương pháp, công cụ truyền thông chưa phát huy được hiệu quả cao, tần suất tuyên truyền chưa dày, chưa nổi bật được tác hại và việc hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền mặc dù đã được triển khai song còn mang tính hình thức, nội dung, thời lượng, phương pháp chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt là chưa chú trọng đến nhóm có nguy cơ sử dụng ma túy cao, trong giới trẻ đặc biệt là học sinh và sinh viên đang theo học tại các nhà trường.

Đối với học sinh và sinh viên còn thiếu hiểu biết về ma túy và thiếu kiến thức cùng kỹ năng phòng chống ma túy. Đặc biệt, việc chưa có tài liệu chính thống về phòng chống ma túy cho cộng đồng và cho học sinh sinh viên cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường chưa thực sự đạt được hiệu quả.

Cô Lê Mai giáo viên huyện Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ: "Việc giáo dục phòng ngừa mạ túy trong trường học từ trước đến giờ chỉ mang tính truyền miệng, nghĩa là toàn răn dạy từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Bản thân là giáo viên, tôi nghĩ là cần có những biện pháp thiết thực hơn như tài liệu học tập, các bài giảng cụ thể và sinh động, các chuyến tham quan ngoại khóa hay học tập thực tế để học sinh được tiếp cận với vấn đề gần gũi hơn nữa".

Theo kết quả của một số nghiên cứu, trẻ em không kiểm soát được cảm xúc là những trẻ có nguy cơ sử dụng ma túy cao và trẻ bắt đầu sử dụng ma túy thường vì lý do cảm xúc. Vì vậy, không chỉ giáo dục đơn thuần về tác hại của ma túy mà còn cần đào tạo cho giáo viên để giải quyết các xung đột, dạy trẻ biết kiểm soát cảm xúc.

Những phương pháp tiếp cận khoa học này đã được sử dụng và có tác dụng tích cực ở Australia, Canada, Anh… Nghiên cứu còn cho thấy, các chương trình dự phòng không chỉ tránh việc lạm dụng các chất gây nghiện mà còn là một cách tiết kiệm chi phí.

Tại Việt Nam, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Song hành cùng sự kết hợp đó, việc triển khai phải tiến hành từng bước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trực tiếp tác động hàng triệu người, đến từng gia đình, học sinh và phụ huynh, thanh thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…với nhiều hoạt động rất đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện.

Phòng chống ma túy học đường, cần vào cuộc quyết liệt hơn

Hiện nay, trên thị trường có khoảng 100 loại ma túy đang lưu hành trái phép. Ma túy không chỉ làm hủy hoại sức khỏe bản thân người nghiện, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại biết bao hệ lụy cho giới trẻ. Do đó, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản về ma túy ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng cần thiết.

Chỉ khi công tác này được thực hiện một cách quyết liệt mới có thể giúp các em học sinh, sinh viên chủ động tránh xa ma túy; đồng thời góp phần ngăn chặn tối đa được sự tấn công của các loại ma túy vào giới trẻ hiện nay, triệt để "tận gốc" tệ nạn ma túy đang len lỏi trong học đường.

Để công tác phòng, chống ma túy trong trường học đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học...

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, hoàn toàn có thể tin tưởng coong tác phòng ngừa ma túy đạt hiệu quả tích cực, giảm thiểu đi những nỗi đau của xã hội.