Hội nghị thế giới về AIDS được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại hội nghị, các chuyên gia nghiên cứu, cùng với các chính khách và những nhà hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS trao đổi và thảo luận về những kết quả nghiên cứu mới về HIV/AIDS.
Sứ mệnh của Hiệp hội quốc tế phòng chống AIDS là hành động mạnh mẽ để ứng phó với cuộc chiến chống lại HIV/AIDS trên toàn cầu thông qua các cơ quan thành viên, khoa học. Hiệp hội được thành lập vào năm 1988, quy tụ các chuyên gia đầu ngành về HIV trên toàn thế thế giới. Các thành viên đến từ hơn 180 quốc gia đang làm việc trên tất cả các lĩnh vực ứng phó với AIDS toàn cầu. Hiệp hội hoạt động với phương châm "vận động và thúc đẩy hành động khẩn cấp để giảm tác động toàn cầu của HIV".
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức UNAIDS, trong năm 2020, đã có thêm 40 triệu người bị nhiễm HIV và gần 700.000 người chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS. Trong những năm gần đây, công cuộc phòng chống AIDS đã bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, khiến cho cuộc chiến chống HIV thêm khó khăn, phức tạp. Các biện pháp kềm chế dịch COVID -19 như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại, đang làm hạn chế các kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS và gây ra những tác hại đối với những bệnh nhân AIDS.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo, những bệnh nhân nhiễm HIV dễ bị biến chứng nghiêm trọng nếu mắc COVID-19, thậm chí có thể tử vong. Do đó, bệnh nhân nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống COVID-19.
Ngày nay, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị rất tốt, thậm chí nếu điều trị đúng, hiệu quả, bệnh nhân có thể không lây nhiễm cho người khác. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có vaccine ngừa virus HIV và thuốc chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS. Tuy nhiên, thành công của các loại vaccine ngừa COVID -19 là hy vọng và là hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu chế tạo vaccine ngừa HIV/AIDS.