Tết Nguyên đán âm lịch luôn là dịp để người lao động ở xa về quê đón Tết cùng gia đình và người thân. Tuy nhiên, hiện nay giá vé máy bay quá cao đã khiến họ phải chịu không ít áp lực.
Buộc phải hủy kế hoạch về quê đón Tết
Gia đình anh Phạm Đình Hòa quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hiện nay, anh cùng vợ con và mẹ ruột đang sinh sống, làm việc tại một khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai.
Năm nay là năm thứ 4 gia đình anh chưa về quê đón Tết, vì vậy anh đã lên kế hoạch từ rất sớm cho việc đưa cả gia đình gồm mẹ, vợ và hai con về quê ăn Tết cùng người thân.
Tuy nhiên, đến thời điểm gần Tết, khi tham khảo giá vé máy bay lại khiến anh phải tính toán, cân nhắc và cuối cùng phải hủy kế hoạch.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Hòa nói: “Hiện nay, giá vé máy bay khứ hồi TPHCM - Thanh Hóa khoảng 5 triệu đồng một người, đã bao gồm cả tiền vé và phí. Như vậy, nhà mình muốn về 5 người thì tổng chi phí cho vé máy bay khoảng 25 triệu. Tuy tôi đã có kế hoạch chuẩn bị cho khoản tiền vé này từ trước, nhưng thực sự nó quá lớn đối với gia đình tôi”.
“Đấy là chưa kể chi phí di chuyển taxi từ Đồng Nai đến sân bay Tân Sơn Nhất, rồi từ sân bay Thọ Xuân về huyện Vĩnh Lộc. Ngoài ra, chi phí cho việc đi lại, mua sắm, chi tiêu cho chuyến về quê nữa thì thực sự vượt quá khả năng tài chính của gia đình”, anh Hòa chia sẻ.
Cũng giống như anh Hòa, chị Hương – anh Hải quê ở Nghệ An, hiện anh chị là cán bộ viên chức tại Lâm Đồng, anh chị đã kết hôn được gần 20 năm, nhưng cứ cách 5 năm thì anh chị mới về quê đón Tết một lần.
Chị Hương tâm sự: “Mỗi lần năm hết, Tết đến là mình rất nhớ quê, nhớ gia đình, nhưng do khoảng cách địa lý quá xa nên việc đi lại tốn khá nhiều chi phí, nhất là tiền vé máy bay. Vì vậy, dù rất muốn đưa các con về quê đón Tết cùng ông bà nhưng tài chính hạn hẹp, nên hai vợ chồng thống nhất là 5 năm mới về quê đón Tết một lần”.
“Năm nay, hai vợ chồng cũng lên kế hoạch cho các con về quê đón Tết, nhưng do giá vé máy bay từ sân bay Liên Khương (Đức Trọng) về sân bay Vinh (Nghệ An) rất cao, nên vợ chồng tôi lại thay đổi kế hoạch và chọn phương án đi xe khách để tiết kiệm chi phí”, chị Hương tâm sự.
Không chỉ riêng anh Hòa, chị Hương – anh Hải, mà ở thời điểm giáp Tết này có rất nhiều người lao động xa quê hương cũng phải chịu áp lực nhất định khi phải bỏ ra khoản tiền lớn cho việc mua vé máy bay về quê.
Trước thực tế giá vé máy bay cao, nhiều gia đình đã lựa chọn không về quê ăn Tết mà dành số tiền đó để gửi về biếu quà bố mẹ hay mua sắm, chi tiêu vào những công việc khác của gia đình.
Giá vé máy bay không cao hơn giá trần quy định
Trước ý kiến phản ánh về giá vé máy bay cao gây khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như kích cầu du lịch, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé,...
So sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Giá vé máy bay đi lại cũng phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao và dồn vào những ngày bay và khung giờ bay đẹp.
Vào những ngày rất cao điểm, vào các khung giờ bay đẹp thường có nhu cầu cao và hết chỗ sớm hơn so các ngày cận cao điểm hoặc trên chuyến bay khung giờ sáng sớm chiều muộn hơn và giá vé đương nhiên cũng sẽ cao hơn.
Mặt khác, thực tế vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính chất đặc thù chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít khách hoặc thậm chí không có khách.
Bởi vậy, giá vé áp dụng vào thời điểm này cũng phần nào giúp các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều, bù đắp cho chặng bay cả hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần quy định.
Tải cung ứng đạt hơn 5 triệu ghế trong dịp Tết
Theo số liệu từ các hãng hàng không Việt Nam, đến thời điểm đầu tháng 1 (giai đoạn 24/1-25/2), tổng số chuyến bay dự kiến đã đạt xấp xỉ 33,8 nghìn chuyến tương ứng với mức tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2023.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 24,2 ngàn chuyến bay với tải cung ứng đạt hơn 5 triệu ghế; tăng 2% số chuyến bay khai thác và tăng 4% tải cung ứng so với cùng kỳ Tết năm 2023.
Trong đó, đường bay dự kiến có số lượng chuyến bay khai thác nhiều nhất là Hà Nội - TPHCM - Hà Nội với hơn 5 ngàn chuyến bay (1,3 triệu ghế), tiếp theo là đường bay TPHCM - Đà Nẵng - TPHCM với hơn 2,2 ngàn chuyến (khoảng 0,4 triệu ghế); và đường bay TPHCM - Vinh - TPHCM với 1,6 ngàn chuyến bay (với khoảng 0,3 triệu ghế).
Tính đến ngày 18/1, tỉ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đến các địa phương dao động ở mức 60-70% đối với những ngày trước Tết và 50-60% những ngày sau Tết.
Một số đường bay có tỉ lệ đặt chỗ cao vào ngày sát nghỉ lễ, lên đến 90-100% và trên 100% như: TPHCM đi Buôn Ma Thuột, Hải Phòng, Thanh Hóa… hay từ Hải Phòng, Quy Nhơn, Chu Lai, Cam Ranh, về TPHCM…; Điện Biên, Pleiku về Hà Nội.
Với các "đường bay vàng" trục Bắc - Nam kết nối Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, hiện tại tỉ lệ đặt chỗ cả giai đoạn trước Tết và sau Tết ở mức 40-60% và đang tăng dần.
Một số ngày cụ thể có tỉ lệ đặt chỗ cao hơn với các đường bay: TPHCM - Đà Nẵng (đạt trung bình 90% trong các ngày 3/2-8/2, Hà Nội - TPHCM (ngày 17/2 và 18/2 đạt trên 90%).