Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tết của người Việt xa xứ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Khi những cánh én bắt đầu chao liệng trên bầu trời cùng sắc mai vàng rực rỡ báo hiệu mùa xuân đang đến gần, lòng người Việt khắp nơi trên thế giới lại bồi hồi nhớ về Tết Nguyên đán.

Với những người Việt xa quê, tết không chỉ là khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là dịp để họ gắn kết với cội nguồn và văn hóa dân tộc.

Tết xa quê - những ngày đếm ngược nỗi nhớ

Tết của người Việt xa xứ - 1
Người Việt tại Úc vẫn tổ chức ăn tết như khi ở Việt Nam (Ảnh: An Nhiên).

Tết đến, dù đang ở đâu, trong lòng mỗi người con xa quê vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi. Đặc biệt, những người sống xa quê hàng chục năm trời, nỗi nhớ đó như một phần của cuộc sống. Những ngày cuối năm, khi ở Việt Nam mọi người tất bật chuẩn bị đón tết thì họ lại cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự thiếu vắng một phần quan trọng trong đời sống tinh thần.

Đối với những người Việt xa xứ, mỗi độ tết đến xuân về là một lần trái tim họ hướng về quê hương với bao nỗi niềm thương nhớ. Họ nhớ những ngày tất bật chuẩn bị đón tết, từ việc dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, gói bánh chưng, bánh tét cho đến việc đi chợ tết chọn mua cành đào, cây quất.

Nhớ những bữa cơm tất niên chiều 30 Tết ấm cúng quây quần bên gia đình, hay những lời chúc tốt đẹp gửi trao vào sáng mùng Một Tết.

Ở nơi đất khách, không phải ai cũng có cơ hội về quê đoàn tụ gia đình. Thay vào đó, họ cố gắng tái hiện lại không khí tết truyền thống bằng những cách riêng. Có người tự tay nấu những món ăn ngày tết như thịt đông, thịt kho tàu, canh khổ qua, dưa hành…

Có người tham gia các hội chợ tết do cộng đồng người Việt tổ chức, nơi mọi người cùng nhau gói bánh chưng, múa lân và thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Chị Phạm Thu Phương, Việt kiều sống tại thành phố Perth, bang Tây Úc (Úc) chia sẻ: “Mỗi khi tết đến, tôi lại có cảm xúc thật khó tả. Tôi nhớ khi xưa ở quê hương, những chiều 30 Tết, gia đình quây quần ăn bữa cơm, cùng nhau gói bánh chưng rồi luộc bằng bếp củi.

Bên bếp lửa bập bùng đỏ rực, chúng tôi vừa nghe nhạc vừa nướng ngô, khoai. Mùi khói ấm cay cay xen lẫn mùi thơm của ngô, khoai, mùi lá bánh chưng tạo nên hương vị rất riêng của ngày tết. Ngày nay, mỗi khi thấy mâm cỗ trên màn hình, tôi lại nhớ quê da diết. Và mỗi dịp như thế, chúng tôi thường tổ chức cho gia đình gói bánh chưng, trang trí nhà cửa như tại Việt Nam để đón tết …”.

Tết của người Việt xa xứ - 2
Gia đình chị Phạm Thu Phương tại bang Tây Úc thường tổ chức gói bánh chưng cho các con để “giữ lửa” ngày tết (Ảnh: An Nhiên).

Những người xa xứ như chị Phương không chỉ nhớ về tết qua những món ăn, mà còn là không khí sum vầy, về sự hiện diện của ông bà, cha mẹ, anh chị em. Ở đất khách quê người, tết là dịp để họ sống lại ký ức, tìm lại cảm giác ấm áp của gia đình dù chỉ qua cuộc gọi video, một lời chúc tết ấm tình thân.

Anh Dương Khánh Toàn, người Việt sống tại bang Ontario (Canada) chia sẻ cảm xúc của mình: “Tôi không thể quên được những ngày tết khi còn nhỏ, cả gia đình cùng nhau gói bánh chưng, đi chúc tết họ hàng, lì xì cho lũ trẻ. Bây giờ, dù làm mâm cỗ tết nhưng vẫn thiếu những khoảnh khắc sum vầy, những cuộc trò chuyện ấm áp”.

Những ký ức về tết trở thành động lực để những người Việt xa xứ tiếp tục duy trì giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Họ hy vọng rằng dù thế hệ sau có thể không sống trong không khí tết Việt Nam như họ đã từng, nhưng ít ra các  bạn trẻ sẽ hiểu được giá trị truyền thống qua những câu chuyện, lời nhắc nhớ của cha mẹ, ông bà.

Khó khăn trong việc “giữ lửa” tết

Tết xa quê mang đến cho người Việt sống ở nước ngoài những thử thách khi phải duy trì phong tục truyền thống dân tộc. Một trong những khó khăn lớn chính là việc không thể tạo dựng được không khí tết trọn vẹn, dù nỗ lực đến đâu.

Trong khi ở Việt Nam, mọi gia đình đều chuẩn bị từ sắm đồ tết đến gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, thì ở các nước phương Tây, không khí tết có vẻ xa lạ, thậm chí không được chú ý.

Chị Amila Hằng, (52 tuổi sống tại Thủ đô Paris, Pháp) gần 10 năm cho biết: “Tôi cố gắng giữ gìn tết truyền thống cho con cháu không quên nguồn cội nhưng thực sự rất khó. Ngay cả việc mua lá dong gói bánh chưng cũng rất khó khăn. Và  khi tôi dọn mâm cỗ, dù đầy đủ các món đặc trưng như thịt đông, dưa hành, giò lụa, nem rán… nhưng vẫn thiếu vắng không khí tết.

Đối với nhiều người Việt, không hiểu hết được ý nghĩa của tết nên họ chỉ biết tết là dịp để nghỉ ngơi. Chính vì vậy, vào những ngày tết tôi thường nấu các món ăn truyền thống Việt Nam thết đãi bạn bè, sau đó dẫn con, cháu đến chùa của người Việt để lễ Phật cầu bình an. Đó cũng là cách để chúng tôi nhớ về quê hương”.

Anh Nguyễn Văn Hưng sống tại tỉnh Saitama - Nhật Bản cũng cảm nhận được điều này. Anh cho biết: “Tại Nhật Bản, tết không được xem trọng như ở Việt Nam. Mọi người vẫn làm việc bình thường, chỉ những gia đình người Việt mới tổ chức ăn tết.

Tuy nhiên, những người xung quanh lại không có sự cảm nhận giống chúng tôi. Tôi cảm thấy thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là những khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình”.

Vấn đề lớn nhất với những người Việt xa xứ là việc không thể truyền lại các giá trị văn hóa cho thế hệ sau. Những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài, dù có tham gia các buổi tiệc tết với gia đình, nhưng chúng không thể cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của tết.

Điều này khiến cho những người cha mẹ xa quê đôi khi cảm thấy buồn, bởi họ không thể truyền lại những giá trị tinh thần của ngày tết cho con cái mình.

Tết của người Việt xa xứ - 3
Vào dịp tết, chị Amila Hằng, Việt kiều tại Pháp thường nấu các món ăn truyền thống Việt Nam thết đãi bạn bè (Ảnh: An Nhiên).

Tết là cầu nối tình cảm gia đình

Mặc dù không thể ở gần nhau trong dịp tết, nhưng công nghệ hiện đại đã giúp những người con xa xứ kết nối với gia đình qua những cuộc gọi video, chia sẻ hình ảnh ngày tết ở quê nhà. Những cuộc gọi video dù ngắn ngủi nhưng cũng làm vơi đi nỗi nhớ, giúp họ thấy gần gũi hơn với gia đình trong những ngày đặc biệt này.

Chị Vũ Thị Thanh, người mẹ xa xứ sống ở thành phố Leipzig, CHLB Đức chia sẻ: “Tôi thích gọi video về Việt Nam vào đêm giao thừa. Mặc dù không thể về quê ăn tết, nhưng thấy người thân trong gia đình, nghe họ chúc tết, tôi cảm thấy như mình có mặt ở đó.

Con tôi dù chưa hiểu rõ lắm về tết, nhưng cũng cảm thấy vui khi nhận được lời chúc tết của người thân từ Việt Nam qua màn hình. Những khoảnh khắc đó là niềm an ủi lớn trong những ngày tết xa quê”.

Anh Nguyễn Hải Long, sống tại thành phố Daegu, Hàn Quốc cũng có trải nghiệm tương tự: “Mỗi lần gọi video về gia đình, tôi thấy mâm cỗ tết, nghe mẹ kể chuyện ngày tết, tôi cảm thấy như mình không xa quê đến vậy. Mặc dù khoảng cách về mặt địa lý rất xa, nhưng công nghệ đã giúp chúng tôi xóa nhòa đi những khoảng cách ấy”.

Ngoài việc giữ liên lạc với gia đình qua các phương tiện công nghệ, nhiều người Việt xa xứ còn tổ chức các buổi tụ họp đón tết với những người bạn cùng quê, cùng cộng đồng người Việt.

Họ cùng nhau làm bánh chưng, cùng nhau nấu những món ăn đặc trưng của tết và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như múa lân, hát karaoke, chơi bài tổ tôm. Đây là những hoạt động không thể thiếu để họ cảm nhận được không khí tết dù đang ở phương xa.

Tết xa quê là một khoảng thời gian đầy cảm xúc, với những niềm vui và cả những nỗi buồn. Dù xa xôi về mặt địa lý nhưng trong trái tim những người Việt xa xứ, tết vẫn luôn là ngày hội lớn nhất của năm.

Đó là thời điểm để họ nhớ về gia đình, nhớ về những giá trị truyền thống và hy vọng rằng một ngày không xa, họ sẽ lại được trở về bên gia đình, hòa mình vào không khí tết cổ truyền của dân tộc. Và dù có ở đâu, tết vẫn là dịp để kết nối, để gắn bó với nguồn cội, là niềm tin vào tương lai tươi sáng. 

An Nhiên

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan
Những hành trình đậm hương xuân

Những hành trình đậm hương xuân

(LĐXH) - Dịp Tết Nguyên đán, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành thiết kế nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, xây dựng các tour đặc sắc phục vụ...
Vang lên âm thanh tết

Vang lên âm thanh tết

(LĐXH) - Chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở khắp mọi miền tập trung sản xuất chương trình đón xuân với những khúc ca mang đến nhiều...