Cũng nhân buổi trao tặng bộ kỹ thuật để phục vụ họp trực tuyến, ông Chang Hee Lee- Giám đốc văn phòng ILO đánh giá cao những kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam. Việt Nam là một trong số những quốc gia kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Đồng thời, đánh giá cao những hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có người lao động.
Theo ông Chang Hee Lee, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung khôi phục kinh tế và thị trường lao động trong khi nhiều nước trên thế giới đang phải chống dịch. Vì thế Việt Nam nên tận dụng lợi thế này.
Ông Chang Hee Lee cũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều cơ quan, trường học chuyển sang làm việc trực tuyến. Đây là cơ hội để chuyển cách thức làm việc trong bối cảnh cách mạng 4.0 là làm việc thông qua internet.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cảm ơn ILO luôn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách liên quan đến lao động, việc làm.
Trao đổi với ông Chang Hee Lee về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng cho biết, suốt 3 tháng vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. Việt Nam thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo 5 nguyên tắc cơ bản: Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài vào; Xét nghiệm ngay những trường hợp nghi ngờ; Khi phát hiện người nhiễm bệnh hoặc ngời có nguy cơ cao thì cách ly ngay (trong khu cách ly dù là người Việt Nam hay nước ngoài đều không thu phí); Khoanh vùng nguy cơ cao để cách ly; Tập trung điều trị hiệu quả (đến nay chưa có trường hợp nào tử vong)….
Đến nay, Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng nới lỏng hơn theo nguyên tắc: Sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Việt Nam không chủ quan, hết sức cảnh giác dù đã qua 13 ngày không có ca nhiễm mới. Một số sự kiện đã được phép tổ chức, học sinh được trở lại trường học, một số điểm du lịch mở cửa trở lại…. Chính phủ chỉ đạo các địa phương thúc đẩy và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất hoạt đông trở lại.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin, ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó người lao động được hỗ trợ các chính sách sau:
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng. Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn".
Bên cạnh đó,các đối tượng yếu thế: Người có công; bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo cũng được hưởng gói hỗ trợ này. Hiện nay chính sách này đã bắt đầu triển khai. Một số đối tượng đã nhận được hỗ trợ. Đây là gói hỗ trợ tiền mặt trực tiếp.
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khác để hỗ trợ doanh nghiệp; hoãn nộp thuế, giảm phí và lệ phí. Bộ Tài chính dự kiến tổng trị giá khoảng 800 nghìn tỷ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19 nên họp, học trực tuyến được triển khai trong các cơ quan, trường họ và bày tỏ cảm ơn ILO đã trao tặng Bộ LĐ-TB&XH bộ kỹ thuật để phục vụ họp trực tuyến.