Công an tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng điều tra vụ án gần 3.000 tấn giá đỗ ủ hoạt chất 6-Benzylaminopurine (được gọi là “nước kẹo”), đã tuồn ra thị trường trong năm 2024. Trong số này, rất nhiều “sản phẩm” đã được tiêu thụ thông qua hệ thống Bách Hoá Xanh - một trong những hệ thống siêu thị lớn hiện diện ở nhiều khu đô thị với sức tiêu thụ rất lớn.
Đáng nói là các cơ sở này đều được cơ quan quản lý địa phương cấp giấy chứng nhận an toàn (!).
Được biết, trong số này có 1 cơ sở sản xuất ký hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh từ 350 - 400kg giá đỗ/1 ngày. Những bao giá đỗ ngâm với "nước kẹo" độc hại nói trên còn được dán lên những nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" để lừa dối người tiêu dùng.
Chuyện giá trồng bằng hóa chất là những lát cắt kinh hoàng về bức tranh thực phẩm bẩn đầu độc và hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng, vẫn là câu chuyện đã từng được nhiều lần cảnh báo bởi báo chí cũng như các cơ quan chức năng, nhưng cho đến giờ vẫn là “vấn đề nóng” và chưa có biện pháp giải quyết thấu đáo.
Không riêng gì giá đỗ, mà người tiêu dùng còn nghi ngờ nhiều loại thực phẩm bẩn khác, bằng cách này hay cách khác, vẫn có cách để len lỏi vào các sạp hàng siêu thị - nơi được cho là có hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Trước đây, người tiêu dùng đã từng “ớn lạnh” với chuyện một số siêu thị lấy rau từ các nguồn trôi nổi ngoài chợ đầu mối đưa lên kệ với nhãn “rau sạch”, thậm chí là “rau hữu cơ”.
Không ai dám chắc ngoài rau, nhiều mặt hàng thực phẩm khác như thịt cá, hải sản tươi sống hay thực phẩm chế biến bày bán hằng ngày trong các hệ thống siêu thị liệu đã thực sự đảm bảo là “sạch” hay “an toàn” hay chưa?
TPHCM là nơi đầu tiên trên cả nước thành lập Sở An toàn thực phẩm. Cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm soát mức độ an toàn thực phẩm, đã từng phát hiện một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lưc của cơ quan chức năng, thực phẩm bẩn vẫn “có đất sống” và được tiếp tay bởi chính một số hệ thống phân phối lớn có lực lượng và phương tiện kiểm soát chất lượng nhưng lại bị vô hiệu hóa.
Niềm tin của người tiêu dùng luôn bị thách thức bởi chính những địa chỉ tưởng như là an toàn nhất!
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn dẫu khó khăn, trắc trở muôn nẻo nhưng không thể nào buông tay lơi lỏng, để mặc sức khỏe của người dân trong vòng vây của trái cây ngâm tẩm hóa chất, rau củ tồn dư thuốc trừ sâu, thịt cá nhiễm chất cấm, thức ăn đường phố chế biến trộn hoá chất và bảo quản không đảm bảo vệ sinh…
Thực tế đã cho thấy, sự lơi lỏng của cơ quan quản lý cùng với sự vô lương tâm của những người kinh doanh đã từng dẫn tới những vụ ngộ độc nghiêm trọng, không chỉ gây tổn hại sức khoẻ cộng đồng mà còn khiến một số người bị chết oan.
Câu nói của một chủ cơ sở sản xuất giá đỗ nhiễm chất độc vừa qua: “Thị trường mà sạch hết với nhau, thì tôi cũng thích làm giá sạch cho nó nhàn” đã phần nào cho thấy tính chất phổ biến và nguy hiểm của thực phẩm bẩn trên thị trường hiện nay.
Cứ mỗi đợt báo chí vào cuộc điều tra việc kiểm soát an toàn thực phẩm lại lộ ra những sai phạm trầm trọng. Nỗi lo của người tiêu dùng ngày càng tăng cao hơn bởi nguy cơ bị đầu độc ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, trách nhiệm "gác cổng" bảo vệ sức khỏe người dân của cơ quan quản lý nhà nước cần được siết chặt hơn nữa. Cần phải kiểm tra thường xuyên, liên tục và có biện pháp xử lý triệt để những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách quyết liệt.
Xử lý hình sự các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều cần thiết để giáo dục và răn đe.
Khánh Nguyễn
Báo Lao động và Xã hội số 2