Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ An: Công trình đê trọng yếu chặn lũ dang dở nhiều năm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Đê Lương - Yên - Khai được khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn dang dở. Đây là con đê trọng yếu chặn lũ, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn hộ dân.

Huyện miền núi Thanh Chương hằng năm phải chịu sự tàn phá tàn khốc của thiên tai, nhất là bão và lũ. Con đê bên dòng sông Cả đã có từ lâu đời nhưng do quá thấp và xuống cấp nghiêm trọng nên tỉnh Nghệ An đã có dự án nâng cấp và mở rộng đê.

ÁCH YẾU 1.jpg
Đoạn đê qua xã Thanh Yên chưa được đắp.

Lương - Yên - Khai là con đê chắn lũ bên dòng sông Cả, đoạn qua 3 xã Thanh Lương, Thanh Yên và Thanh Khai thuộc huyện Thanh Chương. Đê dài hơn 3km, được nâng cấp và mở rộng từ năm 2011. Tuy nhiên, theo người dân, công trình chỉ triển khai trong 3 năm và dang dở cho đến giờ. 

Theo quan sát của phóng viên, đoạn đê qua xã Thanh Khai dài hơn 1km, đã hoàn thành, rất chắc chắn và an toàn. Còn đoạn qua hai xã Thanh Lương và Thanh Yên dài hơn 2km thì còn dang dở. Đê được đắp từng đoạn nên những đoạn chưa được đắp lại trở thành nơi dẫn nước lũ vào. Vì thế hằng năm khi mùa lũ đến, người dân phải dùng thuyền để chạy lũ, di chuyển đồ đạc. Ngay cả người dân sinh sống trong xã Thanh Khai, nơi đoạn đê đã hoàn thành cũng chịu cảnh chạy lũ vì nước từ trên xã Thanh Lương và Thanh Yên chảy tràn xuống. Người dân sinh sống ở 3 xã này hết sức khổ sở.

Bà Phan Thị Quý (xóm Hồng Bình, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) cho biết: “Nhà tui chuyển ra đây sinh sống từ năm 1984, từ đó cho đến nay, năm nào cũng chạy lũ. Năm 2011, thấy họ về làm đê, tưởng thoát được lũ nhưng rồi đâu lại vào đó, hằng năm vẫn bị lũ”.

Xã Thanh Yên vẫn còn 17 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đê chưa giải phóng được mặt bằng để thi công. Trong đó, 7 hộ nằm ngoài đê. Mỗi mùa lũ đến, họ đều thót tim, đêm không dám ngủ.

Ông Bùi Văn Nghĩa, người dân xóm Hồng Bình (xã Thanh Yên) cho biết: “Ở đây, cứ mưa lũ hay thủy điện xả lũ là lại bị ảnh hưởng. Nhất là dân Thanh Khai phía dưới, dù đê xong rồi nhưng lũ chảy trên này xuống thì vẫn ngập lụt như thường”.

Do dự án dang dở kéo dài nên 17 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng này cũng không được sửa chữa hay làm mới nhà. Bà Lương Thị Thìn, hộ dân nằm ngoài đê lo lắng: “Nhà làm mấy chục năm rồi, hư hỏng hết rồi mà không được xây mới. Mỗi mùa mưa bão là lại lo, đêm không dám ngủ, không biết đến khi mô mới hết cảnh ni…”. 

Chủ tịch UBND xã Thanh Yên Bùi Hữu Chương cho biết: “Đê làm dang dở kéo dài khiến dân rất khổ sở. Cứ mưa lớn hay thủy điện xả lũ là nước chảy qua trộ Kiệt - đoạn đê chưa đắp, gây ngập lụt. Dân hỏi xã, xã hỏi huyện, huyện hỏi tỉnh, đã hỏi lên đến Quốc hội rồi mà vẫn chưa có vốn để hoàn thành dự án. Năm 2022, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Chi cục Thủy Lợi đã cho phép người dân sửa chữa nhà ở. Lại sắp đến mùa mưa lũ, người dân và địa phương lại chuẩn bị tinh thần để chống lũ, không biết đến khi nào dự án mới xong cho dân bớt khổ”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Dự án này do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Dự án kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị. Huyện rất mong cấp trên tiếp tục bố trí nguồn vốn để hoàn thành dự án cho nhân dân yên tâm sinh sống và lao động sản xuất”.

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện hệ thống đê tả ngạn sông cả còn vài điểm chưa đảm bảo, trong đó có đê Lương - Yên - Khai. Hồi đó, vốn chưa được bố trí đủ nên làm dở dang, giờ tỉnh cũng muốn làm để khép kín đoạn đê này nhưng phải chờ để xin kinh phí từ Trung ương”.

Dự án Sửa chữa, nâng cấp đê Lương - Yên - Khai, huyện Thanh Chương đoạn từ K0+00 - K3+262,66 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3885/QĐ-UBND.NN ngày 22/9/2011; nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa lũ, chương trình củng cố nâng cấp đê sông và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

 

Tổng mức đầu tư dự án là 36,979 tỷ đồng. Nguồn vốn đã bố trí là 20,42 tỷ đồng (đã giải ngân), còn thiếu 16,559 tỷ đồng.

Do khó khăn về nguồn vốn nên các đơn vị không thể tiếp tục thi công phần còn lại, địa phương chưa giải phóng mặt bằng 2 đoạn đê đi qua khu vực dân cư còn vướng mắc.

 

Hoàng Tùng

Báo Lao động và Xã hội số 96

Tin liên quan