Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Những tấm gương thoát nghèo từ tín dụng chính sách trên vùng đất khó

Thu Hương
Thu Hương

Tín dụng chính sách không chỉ là người bạn đồng hành thân thiết của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An, mà còn là công cụ trụ cột trong giảm nghèo bền vững.

Coi thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

11 huyện miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đời sống nhân dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. 

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền Tây cao hơn mức trung bình chung của toàn tỉnh. Thời điểm trước năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện miền Tây Nghệ An lên tới 50-60%, do đó, tỉnh Nghệ An coi thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

N.An giảm nghèo - thanh long.jpg
Người dân miền Tây Nghệ An thoát nghèo từ trồng thanh long (Ảnh: Thu Hương).

Theo số liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Nghệ An có 66 nghìn hộ nghèo/854 nghìn hộ dân; chiếm 7,8% và 56 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 6,59%.

Năm 2024 có 39 nghìn lượt hộ thoát nghèo, trong đó tại 11 huyện miền núi là 26 nghìn lượt hộ thoát nghèo.

Sự chung tay ngày càng được thể hiện rõ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. 

Trong thời gian đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ/TTg, ngày 4/12/2013. 

10 năm sau, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững. 

Đây là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với tỉnh Nghệ An nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng; trở thành tiền đề quan trọng phát triển các huyện miền Tây Nghệ An. 

Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 1-1,5% mỗi năm, trong đó vùng miền núi là 2-3%.

Từng bước thoát nghèo…

Trước đây, gia đình ông Vi Văn Dũng (sinh năm 1964) ở bản Hòa Sơn, xã biên giới Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) thuộc diện khó khăn nhất bản. Kinh tế chủ yếu nhờ nương rẫy, lại nuôi ba con ăn học. 

Tháng 3/2008, lần đầu tiên gia đình ông được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho vay 10 triệu đồng hộ nghèo để mua 1 con bò cái và gây dựng đàn bò lên đến 5 con. 

Sau khi trả nợ đủ cho ngân hàng, ông Dũng lại được vay thêm 25 triệu đồng cải tạo hơn 5.000m2 đất để làm ruộng lúa và rau màu… Mới đây, gia đình tiếp tục được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay 100 triệu đồng phát triển đàn bò, lợn sinh sản.

Nhờ vốn vay của ngân hàng,  gia đình ông Dũng làm ăn ngày càng khấm khá. Giờ đây, mô hình phát triển kinh tế gia đình của ông Dũng đã trở thành kiểu mẫu để cho bà con bản trên, mường dưới đến tham quan học tập.

nuôi bò N an1z.jpg
Đàn bò của gia đình ông Vi Văn Dũng (sinh năm 1964) ở bản Hòa Sơn, xã biên giới Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) (Ảnh: Thu Hương).

Gia đình chị Ngô Thị Chung và anh Hoàng Văn Việt ở thôn 3, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn. Cả hai vợ chồng cũng được NHCSXH huyện Anh Sơn hỗ trợ từ khi chỉ có mảnh áo vắt vai. 

Đến nay, sau khi được tiếp cận và thụ hưởng 4-5 chương trình tín dụng của ngân hàng, hai vợ chồng đã có của ăn, của để; xây được nhà kiên cố; sở hữu 3ha keo; đàn trâu bò, gà vài chục con… 

Hiện, anh chị đang dư nợ tại NHCSXH huyện 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm “và muốn được vay thêm để mở rộng đàn bò, nuôi thêm đàn dê…”, anh Việt nói.

Được biết, huyện Anh Sơn đã có hơn 500 hộ trên địa bàn đã viết đơn xin thoát ra hộ nghèo trong thời gian qua. Huyện Anh Sơn cũng là 1 trong 11 huyện miền núi còn khó khăn của tỉnh Nghệ An.

Gia đình chị Ngân Thị Quế thuộc diện hộ nghèo ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Năm 2019, gia đình chị được Tổ tiết kiệm vay vốn bình xét, đề nghị NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng 400 trăm gốc thanh long. 

Sau gần 5 năm nỗ lực lao động, vườn thanh long của chị ngày càng tốt tươi, trĩu quả, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Và tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương.

Giám đốc NHCSXH huyện Con Cuông Nguyễn Việt Nam cho biết: "Với các khoản vay nhỏ, lãi suất thấp, thời gian vay hợp lý và đặc biệt có sự đồng hành sát sao của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn đã phát huy sức mạnh tổng hợp, giúp cấp ủy, chính quyền và người dân giải bài toán thoát nghèo”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: “Bên cạnh việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 các huyện miền Tây có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%”.

Tin liên quan
Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách

Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách

(LĐXH) - Được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn...