Quản lý trang trại từ xa bằng smartphone
Anh Nguyễn Đức Huy (35 tuổi, TP Đà Lạt) là chủ trang trại trồng các loại cà chua, rau thủy canh tại thung lũng trên đèo Mimosa kể: "Làm nông bây giờ điều lo nhất không phải là trồng như thế nào, chăm sóc, theo dõi ra làm sao, mà những thứ quan trọng nhất là ở thiết bị điện thoại thông minh (smartphone) này".
Tốt nghiệp thạc sĩ sinh học thực vật tại TP Hồ Chí Minh, anh Huy trở về Đà Lạt và nhận thấy nông nghiệp Đà Lạt đang có cơ hội để những người trẻ thử sức. Sau những lần thất bại vì sản xuất phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên, anh Huy quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ đọc, hiểu diễn biến sinh thái thực tế trong vườn.
Anh Huy cho biết, làm nông nghiệp công nghệ cao không phải là sản xuất trong nhà kính mà là sự kết hợp công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất của trang trại. Trang trại của gia đình anh Huy ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật hầu hết các trang trại nông nghiệp; các thiết bị cảm biến, thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện vi khí hậu trong nhà kính.
Nhờ đó, các phần mềm tự động sẽ đánh giá, so sánh các điều kiện dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây để đưa ra các "lệnh" điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, ánh sáng, nhiệt độ… "Mọi người thường nghĩ, làm nông là cắm mặt trong vườn từ sáng đến tối để chăm sóc cây nhưng đó là chuyện của ngày xưa.
Nay với chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet, tôi ngồi bất kỳ đâu cũng có thể kiểm tra sự phát triển của vườn cà chua và các loại rau thủy canh. Sau khi các thiết bị cảm ứng đã phân tích toàn bộ điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu cần chăm sóc của cây, tôi chỉ cần mở điện thoại và ấn nút "duyệt" là tất cả hệ thống tự động sẽ chăm sóc cây theo lập trình máy đã định sẵn. Nhờ đó, trang trại của tôi không cần nhiều lao động và lao động chủ yếu là giám sát hoạt động của hệ thống máy móc", anh Huy cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Huy để áp dụng những kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp không phải là dễ. Anh Huy cho rằng: "Khi áp dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất thì năng suất và hiệu quả tăng lên gấp số nhân so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu khá cao và cần phải học các các kỹ thuật, kinh nghiệm đầu tư trang trại phù hợp điều kiện thổ nhưỡng cũng như mức chi phí đầu tư".
Ông Bùi Xuân Hải là Việt kiều Canada quyết định trở về làm nông dân phố núi, trồng gần 1 ha dâu tây công nghệ cao. Khi ông Hải lựa chọn vị trí tại xã Tà Nung (cách trung tâm Đà Lạt khoảng 16km) làm trang trại, nhiều người nghi ngại điều kiện khí hậu, độ cao chênh lệch ở Tà Nung không được tốt như Đà Lạt sẽ không cho quả dâu tây đạt chất lượng cao.
"Để khắc phục độ "chênh" đó, trang trại sử dụng toàn bộ hệ thống nhà kính theo chuẩn châu Âu. Trong đó, sử dụng hệ thống phun sương, quạt thông gió tự động, giúp tối ưu điều kiện để dâu sinh trưởng. Từ đó, trang trại có dâu thu hoạch quanh năm. Đặc biệt, quả dâu tây cho chất lượng rất tốt nên bán được với giá từ 200.000 - 350.000 đồng/kg", ông Hải phấn khởi kể.
… Năng suất và hiệu quả tăng cấp số nhân
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin có mức đầu tư cao được hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất như hệ thống nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT... đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng tăng nhanh, không chỉ tập trung ở các huyện, thành trọng điểm mà nhiều loại hình công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi làm nên thương hiệu nông sản của tỉnh.
Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán về dự báo thời tiết; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Những năm gần đây, nông dân Lâm Đồng đã được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vảo sản xuất nông nghiệp.
Ông Vinh cho biết, Lâm Đồng có trên 56.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm...
Chia sẻ câu chuyện thành công từ nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) từng cho biết, HTX đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu. Hiện HTX đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu. Doanh thu lên đến hơn 10 triệu USD/năm.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả của hướng sản xuất này. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp dự kiến sẽ hình thành 13 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, khoảng 300 sản phẩm chủ lực cấp vùng và 2.500 sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, sản phẩm OCOP. Đây là tiền đề quan trọng để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như thương hiệu cho nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.