Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh tăng cường chính sách hỗ trợ người khó khăn, yếu thế

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền Quảng Ninh tăng cường đầu tư nguồn lực, ban hành chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước nhằm tăng diện bao phủ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 202/2019/NQ-HĐND ngày 30/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc nâng mức tiêu chí về thu nhập đối với chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. 

Năm 2021, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021, các địa phương tiếp tục thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh còn 380 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,1%), 2.504 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,67%); theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 1.526 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân); 5.553 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,48% tổng số hộ dân).

Năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn rất thấp: toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân, một số địa phương: Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên, Cô Tô không còn hộ nghèo. Đồng thời, qua thực tiễn tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng kết quả chấm điểm tiêu chí theo các biểu mẫu quy định chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Quảng Ninh tăng cường chính sách hỗ trợ người khó khăn, yếu thế - 1
Được hỗ trợ vốn, con giống và kỹ thuật chăn nuôi giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh ưu tiên bố trí đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, người thuộc hộ nghèo, thuộc hộ cận nghèo theo quy định của tỉnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ vay vốn như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ninh.

Chuẩn nghèo riêng của tỉnh được ban hành đảm bảo phù hợp điều kiện sống của người dân, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh. Qua đó, tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh trong suốt thời gian qua; góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đề ra. 

Để đảm bảo tính khả thi, đồng thuận khi triển khai thực hiện chính sách, Sở LĐ-TB&XH đã lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương về dự báo về số lượng đối tượng, chính sách thụ hưởng, dự kiến kinh phí cụ thể khi nghị quyết được ban hành. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia, dự kiến số kinh phí phát sinh phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách và điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Tỉnh cũng ưu tiên bố trí đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, các đối tượng thuộc hộ ngheo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết 13 của tỉnh được đảm bảo thụ hưởng chính sách đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. 

Việc thực hiện chuẩn nghèo của tỉnh Quảng Ninh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước là chủ trương đúng đắn, kịp thời và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh trong việc ban hành nghị quyết. Vì vậy diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế được mở rộng. 

Đồng thời, chính sách cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Nguồn lực thực hiện được đảm bảo, ngoài việc đảm bảo lồng ghép nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia thì nguồn lực xã hội hoá đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nói chung và nghị quyết nói riêng. 

Nghị quyết nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các địa phương và nhân dân; quá trình điều tra và rà soát theo tiêu chí mới tại cơ sở đảm bảo khách quan, minh bạch, công khai.