Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh chăm lo cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh thuộc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh hiện quản lý, chăm sóc 155 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong số đó, có 108 người cao tuổi neo đơn, hoàn cảnh đặc biệt.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng tinh thần, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ, nhân viên, trung tâm đã trở thành mái ấm, giúp các cụ sống vui, sống khỏe những năm tháng tuổi già.

Để làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, trợ giúp đối tượng, bảo đảm đúng chế độ, chính sách hiện hành, đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm đã nêu cao tinh thần trách nhiệm; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bằng tình yêu thương, xem người neo đơn như người thân của mình. 

Sống trong môi trường đầm ấm, giàu tình người, các đối tượng cũng xem cán bộ, nhân viên của trung tâm như người thân; thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Hằng ngày các đối tượng được đo huyết áp, cấp phát thuốc đầy đủ và được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để nâng cao sức khỏe. 

Hằng tháng, trung tâm tổ chức đưa đối tượng đi khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn như: Trung tâm Y tế TP Uông Bí, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh. Những đối tượng nằm liệt tại chỗ được chăm sóc vết loét, thay rửa vết thương thường xuyên.

“Dù số phận tôi không được may mắn nhưng điều hạnh phúc nhất là những năm cuối đời tôi được sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh. Tại đây, chúng tôi được ăn uống đầy đủ, có chỗ ở khang trang sạch sẽ, điều mà trước đây tôi không dám mơ ước. Lại được nhân viên tận tình chăm sóc, có các cụ ông, cụ bà cùng cảnh ngộ nên cảm thông, chuyện trò, cùng nhau sống an vui”, bà Đào Thị Lành, sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh chia sẻ.

Quảng Ninh chăm lo cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt - 1
Các đối tượng được trung tâm tổ chức đi trải nghiệm tại khu du lịch Làng Nương (Yên Tử).

Không ít cụ cao tuổi nằm liệt một chỗ, không tự phục vụ, nhân viên trung tâm tắm, giặt, bón từng bữa ăn, lo từng giấc ngủ, phân công nhau túc trực mỗi khi các cụ trái gió trở trời. Dịp lễ, Tết, ngày Người cao tuổi Việt Nam, trung tâm tổ chức mừng thọ, tặng quà cho các đối tượng; tổ chức nhiều hoạt động vui xuân tạo không khí vui tươi, đầm ấm cho các đối tượng. 

Để nâng cao sức khỏe cho đối tượng, trung tâm chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thực đơn đa dạng để phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối với đối tượng khó khăn trong ăn uống, không tự phục vụ được, khẩu phần ăn được thay đổi theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe của đối tượng, có cán bộ phụ trách trực tiếp chăm sóc, cho đối tượng ăn. Trong các ngày lễ, Tết, Trung tâm tổ chức ăn Tết cho đối tượng trong không khí thân tình, ấm cúng, đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách.

Tại đây, người cao tuổi được chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần. Không chỉ được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, dịch vụ và chất lượng chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng được nâng cao. Người cao tuổi được sống trong phòng riêng đầy đủ tiện nghi, có các dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe, dinh dưỡng, tập luyện, không gian sống trong lành yên tĩnh.

Trung tâm cũng thành lập Chi hội người cao tuổi, Chi hội Phụ nữ... Những ngày lễ, Tết, Ngày Truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6), Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)... Trung tâm mời các đoàn văn nghệ, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đến giao lưu văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian, các cuộc thi phù hợp với người cao tuổi. 

“Cụ nhiều tuổi nhất là trên 90 tuổi và người ở lâu nhất gần 50 năm. Có cụ không biết quê quán, không có người thân thích. Các cụ xem cán bộ, nhân viên trung tâm là con cháu, người cao tuổi xung quanh là anh chị em”, đại diện trung tâm cho biết.