Tại Đông Nam Á, Lào sẽ cấp chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 bằng tiếng Anh cho người có ý định xuất cảnh, nhưng khuyến cáo quy định về "hộ chiếu vaccine" ở mỗi quốc gia là không giống nhau. Hiện Lào đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và coi đây là chìa khóa để có thể đẩy lùi dịch bệnh. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.033 ca bệnh, trong đó đã chữa khỏi cho 1.910 người và 3 người tử vong.
Tại Campuchia, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng ở mức 3 con số mỗi ngày và đến ngày 16/6 đã vượt ngưỡng 40.000 ca, trong đó có hơn 38.000 ca liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2". Tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 40.157 ca mắc COVID-19, trong đó 34.325 người hồi phục và 368 người tử vong. Đến ngày 15/6, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 3 triệu người.
Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 120 ngày tới sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định hiện Thái Lan đã đảm bảo đủ 105,5 triệu liều vaccine phòng bệnh trong năm nay và sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn cung vaccine mới cho năm tới. Kể từ khi bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 175.732 ca mắc COVID-19 và 1.431 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận thêm 9.944 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 22/2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.937.652 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 196 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 53.476 ca. Chính quyền thủ đô Jakarta đã quyết định gia hạn áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ đến ngày 28/6 tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr hồi tháng 5 vừa qua.
Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 62.224 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 29.633.105 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.542 ca lên 379.573 ca. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới dưới 100.000 ca trên khắp đất nước, sau khi lên tới mức đỉnh là hơn 400.000 ca trong vài ngày hồi tháng 4 và 5.
Tại châu Âu, Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm được thực hiện nhằm ứng phó với dịch COVID-19 từ ngày 20/6 tới, tức sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu, trong khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà cũng được dỡ bỏ từ ngày 17/6. Việc điều chỉnh kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế căn cứ trên tình hình dịch bệnh đã có sự chuyển biến tích cực trên khắp cả nước.
Ngược lại, Chính phủ Ba Lan cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 ở nước này, bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh gia tăng. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch mới, dù quốc gia 38 triệu dân này đang tiến gần tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Theo số liệu của Bộ Y tế Ba Lan, nước này đã tiêm được ít nhất 24,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và 9,7 triệu người đã tiêm đủ liều.
Tại Nga, chính quyền thủ đô Moscow đã yêu cầu người dân làm việc trong ngành dịch vụ bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền Moscow muốn thực hiện chương trình tiêm chủng trong thời gian ngắn nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số ca mắc mới COVID-19 ở Nga trong khoảng 1 tuần trở lại đây có dấu hiệu tăng trở lại. Nga ghi nhận hơn 14.700 ca nhiễm mới vào ngày 13/6, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 2 và là ngày thứ 11 liên tiếp số ca lây nhiễm tăng. Riêng thủ đô Moscow có hơn 7.000 ca nhiễm.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ vượt con số 600.000 trong khi giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Hiện New York và California đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh. Đánh giá tình hình dịch bệnh tại Mỹ, giới chuyên gia cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong khi tỷ lệ tiêm chủng giảm có thể khiến một số khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như đe dọa tới thành quả mà nước này đã đạt được.