Trong khi đó thời tiết phía Bắc thường nồm ẩm, phía Nam nắng nóng - yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nghiêm trọng đã bị phát hiện trong thời điểm này.
Nhiều cơ sở phải đóng cửa vì không đảm bảo ATVSTP
Sát tết, công tác kiểm tra ATTP được siết lại, rất nhiều vụ vi phạm về ATTP đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Chiều 2/1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP Hà Nội đã phát hiện cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) vi phạm về ATTP như: Khu vực sản xuất không riêng biệt mà được tận dụng trong gian bếp sinh hoạt của gia đình; các đồ vật liên quan đến sản xuất sắp xếp lộn xộn; điều kiện gian bếp xuống cấp nghiêm trọng, nền nhà bếp bong tróc, ẩm mốc, cống hở…
Phía trong khu vực sản xuất còn có quần áo được phơi, giặt; dụng cụ sơ chế, chế biến hàng hóa bẩn do không có chế độ vệ sinh định kỳ. Đặc biệt, khu vực sơ chế, chế biến nằm ngay khu vệ sinh; đồng thời phát hiện có côn trùng và phân của động vật…
Kiểm tra hồ sơ pháp lý, cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và 5 nhân viên; chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…
Trước thực trạng trên, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục ngay những tồn tại; đồng thời tiến hành lấy 2 mẫu bánh cốm và xu xê để xét nghiệm.
Cùng ngày, đoàn đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương - cơ sở chế biến sản xuất bánh jambon (số 50 An Dương, quận Tây Hồ). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 13 nhân công lao động sản xuất. Kiểm tra hồ sơ pháp lý cho thấy, cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và hợp đồng, hồ sơ chứng minh nguồn gốc của hạt điều, ruốc thịt.
Về điều kiện vệ sinh thực tế, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt; tường trần nền khu vực sản xuất xuống cấp. Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên. Qua kiểm tra, cơ sở không có bàn để đóng gói thành phẩm. Sản phẩm được đóng gói trên mặt sàn.
Khu vực cửa sổ không có lưới chống côn trùng, bám nhiều bụi bẩn; có gián trong khu vực sản xuất; thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ... Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương tạm dừng hoạt động để khắc phục…
Kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở vi phạm
Theo PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra ATTP vào thời điểm giáp tết, lễ hội là rất cần thiết. "Việc cơ sở sản xuất không đảm bảo ATVSTP bị yêu cầu đóng cửa là đúng bởi sản xuất phải đủ điều kiện. Dù cơ sở sản xuất cũ hay mới vẫn phải thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về điều kiện sản xuất thực phẩm, nếu không đủ điều kiện không được sản xuất", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Chi cục ATVSTP Hà Nội, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Gần đến tết, nhiều thực phẩm “bẩn” tuồn vào thị trường, hàng quán vỉa hè sử dụng để chế biến tiêu thụ.
Vì vậy, Cục Quản lý thị trường, công an… đã tăng cường kiểm tra thực phẩm không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu đưa vào thị trường. Chi cục ATTP tăng cường hậu kiểm ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể để phát hiện và chấn chỉnh vi phạm.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, thu giữ gần 70.000 lọ nước yến chưng không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, năm nay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các đoàn kiểm tra không báo trước, không để quận, huyện chọn cơ sở đi kiểm tra.
Với các cơ sở vi phạm, đến khi cơ sở khắc phục, Ban Chỉ đạo quận xuống kiểm tra thực tế đúng với báo cáo sẽ cho hoạt động trở lại. Còn cơ sở chưa khắc phục được tồn tại vẫn tiếp tục bị dừng hoạt động.
TP Hà Nội đã lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành tập trung thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trọng tâm là những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra các nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, việc kinh doanh thực phẩm online trên sàn thương mại điện tử đang rất khó kiểm soát về chất lượng.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 3