Mã số định danh cá nhân chính là số Căn cước công dân
Mã định danh cá nhân sẽ đi kèm với mỗi công dân từ lúc được sinh ra. Chính vì thế, khi có giấy khai sinh, trẻ em sẽ được cấp ngay một mã định danh. Nếu do sai sót hệ thống thì phụ huynh có thể đăng ký cấp mã định danh lại cho trẻ em.
Ngoài ra, công dân hoàn toàn có thể hủy mã số định danh cá nhân khi phát hiện có sai sót thông tin.
Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an ra quyết định hủy số định danh cá nhân đó và cấp lại mã số định danh cá nhân khác cho công dân.
Theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 137/2015/NĐ-CP thì công dân sẽ được cấp mã định danh cá nhân khi: Đăng ký giấy khai sinh; Làm CCCD (đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân; Công dân đang sử dụng CMND 9 số chuyển sang đăng ký CCCD).
Theo khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 thì số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.
Đồng thời, khoản 1 Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân.
Như vậy, số định danh cá nhân chính là số Căn cước công dân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân.
Trên thực tế, có nhiều tên gọi của mã định danh như mã định danh cá nhân, số định danh, số định danh cá nhân, mã định danh công dân nhưng tất cả đều có cùng một ý nghĩa và có thể được dùng thay thế cho nhau.
Những thông tin có trong mã định danh
Theo nghị định 137/2015/NĐ – CP tại điều 13, mã số định danh là dãy 12 chữ số, được xây dựng từ cấu trúc là mã số thế kỷ, mã giới tính, mã năm sinh, mã tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quốc gia và 6 số liền kề là dãy số ngẫu nhiên.
Trong một mã định danh cá nhân của một công dân bất kỳ đều tích hợp những thông tin cơ sở của công dân đó. Những thông tin được cung cấp lên Cơ sở dữ liệu của quốc gia bao gồm:
Họ tên khai sinh; Ngày tháng năm sinh; Giới tính; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo;
Nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, tình hình khai báo tạm trú; Thông tin về người đại diện pháp lý; Thông tin về chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài việc cung cấp các thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, mã định danh công dân còn có những tác dụng vô cùng tiện lợi khác như: Dùng để tra cứu thông tin Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; thay thế cho mã số thuế cá nhân; thay thế cho giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất...
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5, Thông tư 59/2021/TT-BCA để thực hiện xin cấp mã định danh cá nhân thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân đó chỉ cần yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đó đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.
Cụ thể gồm các giấy tờ gồm: Văn bản yêu cầu cần nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; Thẻ CCCD hoặc CMND để cơ quan công an kiểm tra, xác định rõ đúng người đề nghị cung cấp thông tin mã định danh.
Đối với mỗi trường hợp đăng ký mã định danh cá nhân sẽ có địa chỉ đăng ký riêng.
Cụ thể: Đối với công dân đã có Căn cước công dân gắn chip, mã định danh cá nhân chính là số CCCD; Đối với công dân, học sinh, trẻ em chưa có CCCD gắn chíp, đăng ký mã định danh tại công an Huyện nơi thường trú hoặc tạm trú. (Lưu ý: Mang theo CCCD/CMND, Giấy xác nhận thông tin về cư trú).