Tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam (khoảng 15 triệu người) đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và sức khỏe.
Báo cáo mới nhất năm 2024 của WHO cho biết, chi phí y tế và kinh tế hàng năm của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP năm 2022. Con số này lớn hơn 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững, kiểm soát thuốc lá không chỉ là vấn đề y tế mà còn là chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Một trong những biện pháp mạnh mẽ đang được đề xuất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá - giải pháp mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội và dự kiến thông qua vào tháng 5. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế thuốc lá.
Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức thuế 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 đến 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, với 2 phương án này, mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỷ trọng 59,38% giá bán lẻ.
Trong khi đó, Bộ Y tế và WHO đề xuất mức thuế tuyệt đối cao hơn. Cụ thể, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu/bao) vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
Theo ông Đào Thế Sơn, Liên minh quốc tế Phòng chống lao và bệnh phổi, nếu tăng thuế sẽ giảm số người hút thuốc lá, từ đó nâng cao sức khỏe và lực lượng lao động. Trong trường hợp không tăng thuế, từ nay tới năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 2,46 triệu người hút thuốc lá.
“Phương án 2 của Bộ Tài chính so với tỷ lệ gia tăng dân số sẽ giữ nguyên số người hút thuốc từ nay đến năm 2030 (khoảng 15 triệu người), gián tiếp giảm được 2,46 triệu người hút thuốc so với không tăng thuế. Đề xuất của Bộ Y tế và WHO sẽ giảm được 3,16 triệu người so với không tăng thuế.
Khi giảm số người hút có thể giảm được bệnh tật, tạo ra lực lượng lao động khỏe mạnh và giảm số ca tử vong sớm. Bởi qua nghiên cứu, đến 50% số người hút sẽ rơi vào tình trạng tử vong sớm”, ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và trẻ em.
Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Ngoài ra, các nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá còn giúp bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 25